Mở rộng chương trình tín dụng cho sinh viên

Năm học mới bắt đầu, nhiều gia đình có con học đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh không khỏi lo lắng cho hành trình theo đuổi giấc mơ giảng đường đại học khi học phí và giá cả chi tiêu sinh hoạt ngày càng tăng cao. Vì vậy, việc hoàn thiện chính sách tín dụng sinh viên để mở rộng nguồn vay cho người học là rất cần thiết để giảm gánh nặng tài chính cho sinh viên.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ học ngoại khóa của sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ-Tin học Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh THẾ ANH)
Giờ học ngoại khóa của sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ-Tin học Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh THẾ ANH)

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có khoảng 600.000 sinh viên đang theo học tại các trường đại học, học viện, cao đẳng trên địa bàn. Trong đó, hơn 50% số sinh viên đến từ các tỉnh, thành phố khác. Rất nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho vay ưu đãi. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh viên nộp học phí dựa trên tín dụng cho sinh viên hiện nay rất thấp.

Theo kết quả khảo sát nhanh 18.988 sinh viên của Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, có 8.735 sinh viên đồng ý sẵn sàng vay nếu có hình thức hỗ trợ vay tín chấp, chiếm 46%.

Ðến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam vẫn là đơn vị duy nhất cung cấp các khoản vay cho sinh viên mồ côi; thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, hoặc gặp khó khăn tài chính do các tình huống bất ngờ như thiên tai hoặc vấn đề sức khỏe. Sinh viên đủ điều kiện có thể vay tối đa bốn triệu đồng mỗi tháng. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cổ phần chưa tham gia vào thị trường đặc biệt này, vì chưa có cơ chế chính sách cụ thể.

Theo báo cáo 10 năm của Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, tổng doanh số cho vay từ đầu năm 2015 đến ngày 31/8/2024 đạt 25.815 tỷ đồng, với hơn 582.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Trong đó, dư nợ cho vay chương trình tín dụng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đạt 624,9 tỷ đồng, chỉ chiếm tỷ trọng 5,4% tổng dư nợ với 12.675 khách hàng đang vay vốn.

Với tầm nhìn về đầu tư giáo dục, trong những năm qua, lãnh đạo thành phố luôn quan tâm hỗ trợ sinh viên khó khăn tiếp cận các nguồn vốn vay, tín dụng. Phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW năm 2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với tín dụng chính sách xã hội vừa mới diễn ra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cần chủ trì phối hợp các sở, ngành liên quan nghiên cứu mở rộng chương trình tín dụng sinh viên để mọi học sinh trên cả nước đến Thành phố Hồ Chí Minh học tập, có nhu cầu vay đều tiếp cận được chương trình của thành phố.

Ngoài ra, thành phố đã giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, Thành đoàn và các sở, ngành có liên quan tham mưu đề án hỗ trợ sinh viên tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ nhu cầu học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2028. Ðề án này nhằm hỗ trợ tài chính cho sinh viên không thuộc đối tượng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội có thể vay tín chấp trong thời gian học.

Chính sách này, được xem là động lực để những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có thể yên tâm học tập, trưởng thành. Tuy nhiên, để đề án này chính thức triển khai thí điểm và được áp dụng rộng rãi trên địa bàn thành phố, cần sự vào cuộc quyết liệt và phối hợp đồng bộ của các đơn vị chức năng, các cơ quan, trường học, các ngân hàng thương mại trong việc thống nhất các tiêu chí, điều kiện vay tín chấp và các cơ chế xử lý, dự phòng rủi ro trong quá trình thực hiện.

Thời gian tới, để gia tăng đối tượng sinh viên được tiếp cận nguồn vốn vay phục vụ học tập, thành phố nên xem tín dụng cho sinh viên là một khoản đầu tư cho tương lai. Do vậy, việc hoàn thiện chính sách vay tín dụng để mở rộng nguồn vay cho người học là rất cần thiết để có những mô hình mới, phương thức mới phù hợp thực tiễn.

Thành phố cần tiếp tục xây dựng được chương trình cụ thể, có nguồn lực rõ ràng và có tính bền vững nhằm bảo đảm được nhu cầu vay vốn của sinh viên. Trong đó, thành phố có thể huy động các nguồn lực từ khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội để tăng nguồn lực cho chương trình.