Giữ ổn định giá hàng hóa không tăng theo mức tăng lương cơ sở

Đợt tăng lương cơ sở lên mức 2,34 triệu đồng kể từ ngày 1/7 vừa qua đã mang lại nhiều lợi ích cho cán bộ, công chức, viên chức và người được thụ hưởng chính sách. Tuy nhiên, nhiều người lại canh cánh nỗi lo tình trạng giá cả hàng hóa, dịch vụ cũng sẽ lại tăng theo mức lương mới; điều này tạo áp lực cho công tác điều hành, bình ổn giá trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
0:00 / 0:00
0:00
Khách hàng mua sắm tại siêu thị Co.op Mart.
Khách hàng mua sắm tại siêu thị Co.op Mart.

Thực tế cho thấy, từ ngày 1/7, việc tăng lương đã tạo tâm lý nâng giá bán của nhà bán lẻ, dễ dẫn đến tác động dây chuyền cho nên cần có sự chuẩn bị và hạn chế tác động tiêu cực.

Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều đã có chỉ thị bảo đảm cung cầu hàng hóa từ sớm. Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp ngăn ngừa tình trạng tăng giá bất hợp lý.

Theo đó, để bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố, Sở Tài chính chủ động trong việc theo dõi diễn biến tình hình thị trường và điều hành giá trên địa bàn thông qua các biện pháp như: Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá (niêm yết giá, bán theo niêm yết, giá kê khai…); xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo quy định.

Bên cạnh đó, sở đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, bảo đảm kịp thời, minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá, nhất là diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu liên quan đến đời sống người dân.

Nhiều năm qua, thành phố đã tổ chức thực hiện các chương trình bình ổn thị trường đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng phục vụ mùa khai trường, sữa và dược phẩm thiết yếu. Đây được xem như một công cụ điều tiết thị trường hiệu quả.

Theo đó, giá hàng hóa tham gia chương trình khi đến tay người tiêu dùng luôn bình ổn; sản lượng hàng hóa dồi dào, bảo đảm cung ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dùng; hàng hóa tham gia chương trình ngày càng nhiều và phong phú, đa dạng đủ sức chi phối, định hướng dẫn dắt thị trường, góp phần ổn định thị trường và thực hiện an sinh xã hội.

Ngoài chương trình bình ổn giá, nhiều siêu thị trên địa bàn thành phố thường xuyên tung ra các đợt khuyến mãi, giảm giá hỗ trợ người tiêu dùng, thí dụ như hệ thống 800 điểm bán thuộc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại thành phố (Saigon Co.op) đang giảm giá đến 50% toàn ngành có dán nhãn riêng của Co.op đến hết ngày 17/7/2024 gồm nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thiết yếu.

Thành phố cũng tập trung nhiều giải pháp bình ổn thị trường và kích cầu tiêu dùng. Cụ thể, chương trình Shopping Season: Đợt 1, từ ngày 15/6 đến ngày 15/9/2024; đợt 2 từ ngày 15/11 đến ngày 31/12/2024; dự kiến có gần 10.000 thương nhân tham gia, với hơn 55.000 chương trình khuyến mại. Các hoạt động này được xem là nỗ lực của thành phố nhằm hỗ trợ người dân, nhất là những người thu nhập thấp, góp phần kiểm soát giá.

Ghi nhận thực tế, thời gian gần đây, các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích… giá cả hàng hóa cơ bản giữ ổn định, không biến động đáng kể so với trước thời điểm 1/7.

Tuy nhiên, tình trạng tăng giá lại xảy ra cục bộ ở một số chợ dân sinh, các cửa hàng tạp hóa, các điểm ăn uống… Điều này, có thể ảnh hưởng đến nỗ lực bình ổn giá của thành phố, ảnh hưởng đến chi phí tiêu dùng và sinh hoạt của người dân.

Các sở, ngành liên quan cần tiếp tục tập trung theo dõi sát thông tin, nắm bắt diễn biến giá cả một số mặt hàng thiết yếu có tác động lớn và tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo quy định; đồng thời, thành phố cần tiếp tục triển khai chương trình bình ổn thị trường theo nguyên tắc bảo đảm cân đối cung-cầu, kiểm soát thị trường, xây dựng hệ thống phân phối hiệu quả với sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người tiêu dùng để đạt được mục tiêu bình ổn thị trường bền vững.