Cuối tháng 7 vừa qua, hai nam thanh niên quốc tịch Pháp và New Zealand đã bị tổ tuần tra thuộc Công an Quận 1, phát hiện đang phun sơn, vẽ bậy lên cửa cuốn của một căn nhà trên đường Phó Đức Chính (phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1). Lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính và trục xuất hai người này khỏi Việt Nam.
Trước đó, ngày 8/6, Công an phường Bến Thành (Quận 1) ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1,5 triệu đồng đối với một người nước ngoài vì hành vi vẽ bậy lên cửa nhà dân trên đường Nguyễn Du.
Còn nhớ, năm 2022 và 2023, các toa của đoàn tàu Metro số 1 đậu tại depot Long Bình (thành phố Thủ Đức) vừa nhập về đã bị kẻ xấu xịt sơn, vẽ bậy. Vụ việc khiến dư luận dậy sóng, các cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra và mất nhiều thời gian, kinh phí để tẩy xóa những hình vẽ.
Có thể nói, hành vi viết, vẽ bậy trên các công trình công cộng và nhà dân diễn ra rất phổ biến nhiều năm nay, gây mất mỹ quan đô thị, thiệt hại về tài sản của Nhà nước lẫn người dân, gây bức xúc cho người dân rất nhiều.
Anh Nguyễn Hoàng Minh, nhà trên đường Phan Xích Long (Phường 2, quận Phú Nhuận), bức xúc cho biết: “Tôi mới làm cửa cuốn nhà mình để cho thuê thì chỉ qua một đêm, cửa cuốn đã bị sơn, vẽ chằng chịt. Người thuê nhìn vào ngao ngán, lắc đầu bỏ đi”. Không khó để thấy, hàng loạt nhà mặt tiền ở con đường ẩm thực này đầy những hình vẽ, chữ viết nhằng nhịt làm xấu cả một khu phố, khiến người dân lẫn chính quyền rất bức xúc.
Tình trạng nêu trên có thể dễ dàng bắt gặp ở bất cứ nơi đâu có... khoảng trống: Từ chân cầu, cửa cuốn nhà dân, tủ điện đến dải phân cách, bức tường nào cũng có thể trở thành “nạn nhân” của vẽ bậy.
Nhiều công trình giao thông, tường bệnh viện, trường học... tại nhiều khu vực bị bôi bẩn bằng bình xịt sơn đen, trắng, đỏ, vàng... với đủ hình dạng. Thậm chí, tường của trụ sở cơ quan chính quyền cũng bị chung “số phận”. Lướt qua những tuyến đường như Tôn Đức Thắng, Hàm Nghi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1), Trường Sa, Hoàng Sa (Quận 3),
Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận), Lê Trọng Tấn (quận Tân Phú), hầu như nơi nào cũng thấy những hình vẽ này. Nhiều nỗ lực xóa bỏ hình vẽ bậy của người dân và chính quyền ngay lập tức bị thay thế bằng những “tác phẩm” mới. Mới đây nhất là ngày 12/8, hầm chui Nguyễn Hữu Cảnh vừa mới được tẩy xóa, sơn chỉnh trang mầu trắng bóng, sạch đẹp lại bị lén xịt sơn trộm, vẽ bậy nhếch nhác.
Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh) đang triển khai dự án sơn chỉnh trang, chống vẽ bậy trên các cầu, hầm chui lớn.
Loạt cầu đường lớn được sửa chữa và sơn chỉnh trang, chống vẽ bậy là: cầu Bùi Hữu Nghĩa, hầm chui Điện Biên Phủ trên đường Trường Sa, hầm chui Văn Thánh (phía cầu Sài Gòn), hầm chui Nguyễn Hữu Cảnh, cầu Thủ Thiêm, hầm chui cầu Bình Triệu, cầu Công Lý, hầm chui Điện Biên Phủ trên đường Hoàng Sa, cầu Calmette, cầu Ông Lãnh, cầu Khánh Hội, cầu Nguyễn Tri Phương. Dự án trên có tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng, sử dụng sơn chuyên dụng chống việc sơn vẽ bậy, trường hợp nếu có sơn vẽ lên chỉ cần dùng vải lau qua là sạch.
Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân đồng thời hỗ trợ trung tâm thực hiện công tác tuần tra, xử lý các đối tượng sơn, vẽ bậy bằng các hình thức: Phạt tiền, khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng ban đầu, đồng thời khen thưởng người phát hiện.
Địa phương cũng có thể lắp các biển tuyên truyền cấm sơn, vẽ bậy bằng ngôn ngữ Việt, Anh tại một số vị trí trên cầu, công trình công cộng, ghi chú mức phạt tiền và hình thức xử phạt cụ thể.
Tuy nhiên, dư luận vẫn cho rằng, chính quyền cần quyết liệt, cứng rắn hơn để xử lý hành vi viết, vẽ bậy trên các công trình công cộng và nhà dân, để có tính răn đe, cảnh cáo nghiêm khắc với hành vi sai phạm làm mất mỹ quan đô thị một cách dai dẳng này.