Tạo khí thế thi đua chào mừng các sự kiện trọng đại

Năm 2025, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung sẽ tổ chức kỷ niệm nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Ngay từ những ngày này, bên cạnh tổ chức các hoạt động lễ hội, tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội, thời gian qua, các tầng lớp nhân dân cũng đã trực tiếp tham gia, đóng góp nhiều hoạt động, phong trào để các sự kiện trọng đại trở nên ý nghĩa hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh bên bờ sông Sài Gòn.
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh bên bờ sông Sài Gòn.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Quận 7 đã nâng cấp, mở rộng thành công 13 tuyến hẻm đạt độ rộng hơn 4m, hoàn thành nâng cấp 28 hẻm theo hiện trạng có độ rộng từ 2,5-3,5m. Các công trình có tổng kinh phí thực hiện gần 45 tỷ đồng từ sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn quận. Theo phản ánh của nhiều người dân, trước đó, các tuyến đường này xuống cấp, ngập sâu khi mưa lớn hoặc triều cường. Sau khi được nâng cấp, chống ngập, nâng độ cao mặt đường lên gần 0,5m đã góp phần chống ngập, bảo đảm vệ sinh môi trường, chỉnh trang đô thị. Các công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng là một trong

các hoạt động để địa phương thi đua chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm như 80 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2025) và Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2025); 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025)… Hướng đến các mốc son trọng đại của đất nước, mới đây, nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố đã phát động đợt thi đua trong cán bộ, công nhân, viên chức đơn vị về thực hiện xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, chính quyền số, cải tạo, nâng cấp hạ tầng…

Theo kết luận của Ban Bí thư, năm 2025, đất nước có năm sự kiện lớn: Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025); 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025); 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân, 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; đặc biệt có hai sự kiện rất quan trọng là kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước và 80 năm Quốc khánh 2/9. Thiết thực hướng đến các sự kiện này, chính quyền, nhân dân thành phố đang ra sức thi đua để chào mừng, cổ vũ sự phát triển của thành phố và đất nước.

Để các hoạt động, phong trào thi đua này được thực hiện hiệu quả, các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương và mỗi người dân cần triển khai sâu rộng với các hình thức, biện pháp thi đua thiết thực, hiệu quả gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, phù hợp với tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Việc tổ chức phong trào thi đua phải bảo đảm tính thiết thực, chất lượng, hiệu quả; công tác khen thưởng cần bảo đảm kịp thời, dân chủ, chính xác, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng thành tích để vừa khích lệ, động viên các đối tượng tham gia.

Với sự đa dạng về văn hóa lẫn điều kiện kinh tế-xã hội của các địa phương, cơ quan, đơn vị tại Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi đơn vị cần xác định được những thế mạnh, nhu cầu thiết thực để từ đó đề ra các ý tưởng, kế hoạch nhằm triển khai thực hiện các công trình trọng điểm, các phần việc; lựa chọn các mô hình, sáng kiến, công trình, dự án có ý nghĩa quan trọng với thành phố nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi; đồng thời, tạo sự đa dạng của các công trình, phần việc. Tránh tình trạng “đồng phục” các công trình giữa các cơ quan, đơn vị. Trong quá trình triển khai thực hiện, thành phố cần chú trọng định hướng, hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai các chương trình, công trình, dự án tiêu biểu chào mừng, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền góp phần lan tỏa khí thế thi đua sôi nổi trong toàn cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong khí thế thi đua đó, thành phố cũng cần chú trọng bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương sáng trong phong trào thi đua. Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc được khen thưởng kịp thời, tạo động lực cho phong trào thi đua lan tỏa mạnh mẽ ■