Xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xanh

Việc chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn, kinh tế số hiện đang trở thành xu hướng phát triển chung trên toàn cầu để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Thành phố Hồ Chí Minh, địa phương có nền kinh tế năng động, sáng tạo, đầu tàu của cả nước cũng không phải ngoại lệ. Phát triển mô hình kinh tế mới, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số hiện đang được địa phương này xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên trong hoạch định chính sách, hướng đến nền kinh tế xanh, Net Zero vào năm 2050.
0:00 / 0:00
0:00
Khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh Hoàng Triều)
Khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh Hoàng Triều)

Để thực hiện mục tiêu này, thành phố vừa ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030” năm 2024-2025.

Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024-2025 là các đơn vị liên quan tiếp tục tuyên truyền, phổ biến về các mô hình kinh tế mới, kinh tế tuần hoàn đến doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân để tạo sự thống nhất, đồng thuận trong quá trình thực hiện; thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, khóa tập huấn về kiến thức, kỹ năng nhằm tiếp cận, quản lý các mô hình kinh tế mới trong kỷ nguyên số và cách mạng công nghiệp 4.0 cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp.

Thành phố xây dựng và bổ sung các chương trình đào tạo, nội dung về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, các mô hình kinh tế mới, phát triển bền vững cho các trường cao đẳng, đại học để chuẩn bị nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu; tăng cường hợp tác công-tư và sự tham gia của các bên liên quan trong thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế mới; tích hợp các nội dung kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn và các mô hình kinh tế sáng tạo vào chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hằng năm và giai đoạn tiếp theo.

Thành phố cũng sẽ định kỳ rà soát, khảo sát nhu cầu và xây dựng các chương trình hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn; trong đó, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi xanh và chuyển đổi mô hình kinh doanh mới phù hợp với nhu cầu và định hướng ưu tiên phát triển của thành phố.

Trong chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn, thành phố đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn gắn với tái cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.

Cùng với đó, thành phố khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, năng lượng; khuyến khích phát triển và sử dụng nguyên vật liệu, năng lượng và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn theo các cấp độ, khu công nghiệp, ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp, người tiêu dùng, người dân.

Đối với kinh tế số, thành phố phát triển dựa trên bốn trụ cột: Công nghiệp công nghệ thông tin; số hóa các ngành kinh tế; quản trị số; dữ liệu số. Đồng thời, thành phố tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ số và giải quyết vấn đề phát sinh, vướng mắc để thúc đẩy kinh tế số phát triển.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đang đổi mới mô hình tăng trưởng một cách mạnh mẽ. Thành phố đã đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức về phát triển các mô hình kinh tế mới như: Kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn và các loại hình kinh tế sáng tạo khác theo đà phát triển nhanh chóng của khoa học-công nghệ và cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngoài ra, thành phố còn đưa ra các giải pháp hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế mới; nâng cao trình độ và năng lực đổi mới sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để triển khai, ứng dụng các mô hình kinh doanh mới.

Tuy nhiên, việc phát triển các mô hình kinh tế mới, nhất là chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn, kinh tế số… vẫn chưa đạt được kỳ vọng đặt ra. Phát triển xanh là con đường tất yếu để thành phố hội nhập vững chắc vào nền kinh tế toàn cầu.

Do đó, thành phố cần xây dựng chiến lược, môi trường thuận lợi nhất để phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế số; nghiên cứu chuyển đổi các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn theo hướng phát triển công nghệ cao, kinh tế xanh, sáng tạo; đồng thời, triển khai có hiệu quả các chương trình lớn như đô thị thông minh, chuyển đổi số… để hướng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững.