Cần chế tài đủ mạnh xử lý tình trạng chây ỳ nợ bảo hiểm xã hội

Tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, thậm chí lách luật cố tình không tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động đang là thực tế diễn ra nhiều năm qua tại Thành phố Hồ Chí Minh.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân viên Bảo hiểm xã hội hướng dẫn các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội cho người dân.
Nhân viên Bảo hiểm xã hội hướng dẫn các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội cho người dân.

Nguyên nhân chính khiến tình trạng này chưa được khắc phục là do chế tài chưa đủ mạnh; trong đó, quy định xử lý hình sự doanh nghiệp vi phạm chưa được các cơ quan tố tụng thực hiện do một số thủ tục khó vận dụng và chưa được cụ thể hóa.

Trong sáu tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố, tổng số tiền các đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ một tháng trở lên là hơn 6.871 tỷ đồng. So sánh với cùng kỳ năm 2023 (tổng nợ bảo hiểm hơn 6.222 tỷ đồng), số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tăng hơn 649 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội thành phố phát hiện 7.912 doanh nghiệp có đăng ký thuế nhưng chưa tham gia bảo hiểm xã hội và có 49.433 doanh nghiệp đã tham gia bảo hiểm xã hội nhưng tham gia chưa đầy đủ cho người lao động. Bộ phận thanh tra Bảo hiểm xã hội cho biết, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ ở ngoài khu công nghiệp thường lách luật, cố tình không tham gia bảo hiểm xã hội đối với người lao động.

Nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực kinh doanh bảo vệ, xây dựng, cung ứng dịch vụ lách luật khi ký hợp đồng khoán việc, hợp đồng lao động dưới 14 ngày với nhiều công ty… để “trốn” việc tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động. Tương tự, nhiều trường hợp chủ doanh nghiệp cố tình né tránh tiếp đoàn thanh tra, thiếu sự hợp tác nhưng hiện nay chưa có biện pháp hữu hiệu trong việc xử lý đơn vị cố tình vi phạm pháp luật.

Những vi phạm, hành vi chây ỳ của doanh nghiệp đã ảnh hưởng lớn đến các chế độ và quyền lợi của người lao động, nhất là các chế độ thai sản, hưu trí, mất việc làm, thu nhập bị ảnh hưởng.

Tại Hội nghị “Giải pháp thúc đẩy mở rộng độ bao phủ người tham gia bảo hiểm xã hội ở những nơi có quan hệ lao động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” mới đây, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố cho biết: Trong số 66 vụ việc, tin báo, kiến nghị khởi tố có liên quan đến đơn vị sử dụng lao động do cơ quan Bảo hiểm xã hội chuyển qua từ năm 2020 đến nay, Công an thành phố chưa khởi tố được vụ án, bị can nào; gần như các vụ việc vi phạm nghiêm trọng chỉ dừng lại ở xử lý vi phạm hành chính từ các cơ quan có thẩm quyền.

Nguyên nhân theo Công an thành phố chỉ ra là để có căn cứ xử lý theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội thì bắt buộc người vi phạm phải bị xử lý vi phạm hành chính. Ngoài ra, chứng cứ và hồ sơ từ phía Bảo hiểm xã hội chuyển giao cho cơ quan cảnh sát điều tra chỉ là bản photocopy, không có giá trị pháp lý.

Còn theo Liên đoàn Lao động thành phố, thủ tục khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (người lao động khởi kiện hoặc từng người lao động ủy quyền cho tổ chức công đoàn làm đại diện để khởi kiện); thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội; xử lý vi phạm hành chính về bảo hiểm xã hội chưa đủ sức răn đe (nhất là đối với các doanh nghiệp nợ đọng lớn, kéo dài); việc thi hành án cũng gặp nhiều khó khăn do chủ doanh nghiệp bỏ trốn, tài sản không đủ để thi hành án.

Với những hạn chế, vướng mắc chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu này, rất cần xây dựng một quy chế phối hợp giữa các bên gồm: Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Công an thành phố để quy trình phát hiện vi phạm, xử lý, lập hồ sơ được chặt chẽ và đúng thẩm quyền; trong đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và kịp thời xử lý các doanh nghiệp chậm nộp bảo hiểm xã hội nhằm hạn chế phát sinh số nợ lớn, kéo dài.

Nhiều ý kiến cho rằng cần có biện pháp chế tài, xử lý kiên quyết các trường hợp cố tình chậm đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội tương tự như xử lý các doanh nghiệp nợ thuế (phong tỏa tài khoản, hạn chế xuất cảnh đối với chủ doanh nghiệp...), tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động tập thể.