Thực hiện hiệu quả việc phân loại rác tại nguồn

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên (từ năm 1999) trong cả nước thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn, nhưng đến nay, chương trình này vẫn chưa đem lại kết quả khả quan.
0:00 / 0:00
0:00
Ðại diện UBND phường Tân Thới Nhất (Quận 12) tặng thùng rác cho người dân. (Ảnh CTV)
Ðại diện UBND phường Tân Thới Nhất (Quận 12) tặng thùng rác cho người dân. (Ảnh CTV)

Một trong các lý do là ở giai đoạn đầu triển khai, Thành phố Hồ Chí Minh phải vừa làm, vừa học, bởi luật chưa phủ kín, chưa có những hướng dẫn cụ thể trong phân loại rác. Tuy nhiên, ngay cả khi thành phố đã ban hành một loạt các quy định để triển khai rộng rãi thì chương trình này vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Người dân chưa ý thức được tầm quan trọng trong việc phân loại rác, dẫn đến thực hiện không đồng bộ. Hệ thống các thùng rác phân loại chưa đủ và chưa đặt ở những vị trí hợp lý, gây khó khăn cho người dân trong quá trình phân loại.

Các đơn vị thu gom cũng chưa phân loại một cách hiệu quả, làm giảm giá trị của việc phân loại tại nguồn. Các quy định về phân loại rác tại nguồn thiếu chặt chẽ, chưa có chế tài xử phạt cụ thể cho những hành vi vi phạm. Chưa có các chương trình khuyến khích cho cả người dân lẫn các đơn vị thu gom khi tham gia phân loại rác tại nguồn…

Có ý kiến nhận định, chương trình phân loại rác tại nguồn của Thành phố Hồ Chí Minh chưa đạt hiệu quả là do thành phố dường như đã nóng vội khi thực hiện, thay vì chuẩn bị kỹ lộ trình, nguồn lực, ưu tiên thực hiện ở công sở, các điểm trường học, doanh nghiệp rồi mới tiến tới áp dụng đại trà trong các khu dân cư.

Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là quy định người dân không phân loại rác thải sinh hoạt sẽ bị phạt từ 500 nghìn đồng - 1 triệu đồng có hiệu lực, tuy nhiên, mọi việc vẫn còn rất bề bộn, lúng túng. Nhiều người dân còn chưa phân biệt được thế nào là rác vô cơ, hữu cơ, rác nào tái chế được và không tái chế. Việc thu gom vẫn phụ thuộc chủ yếu vào các tổ chức rác dân lập. Người trực tiếp thu gom không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ; phương tiện thu gom chưa bảo đảm, không có phương án tổ chức thu gom rác sau phân loại phù hợp.

Mỗi ngày, thành phố thải ra khoảng 9.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt, khối lượng rác thải tăng bình quân từ 6% đến 10% mỗi năm. Hơn 80% khối lượng chất thải tái chế đang chôn lấp cùng với chất thải sinh hoạt gây lãng phí tài nguyên, ngân sách và ảnh hưởng đến môi trường.

Muốn phân loại rác tại nguồn hiệu quả, Thành phố Hồ Chí Minh cần tăng cường hỗ trợ nguồn lực bao gồm nhân lực, trang thiết bị và kinh phí cho các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt sau phân loại; ban hành chính sách hỗ trợ các hợp tác xã thu gom rác, xây dựng định mức, đơn giá dịch vụ.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần có giải pháp bảo đảm tính đồng bộ trong việc phân loại, tổ chức thu gom nhằm tránh xảy ra trường hợp người dân đã thực hiện phân loại rồi nhưng công tác thu gom lại không tương ứng gây lãng phí nguồn lực xã hội, làm giảm hiệu quả hoạt động phân loại rác tại nguồn. Thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, tham gia phân loại rác, đồng thời nhân rộng những mô hình hay, ý tưởng tốt và tạo cơ chế hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp chung tay xử lý, tái chế rác thải…