Tăng kết nối cho mạng lưới đường sắt đô thị

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Chuẩn bị dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai và hỗ trợ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án đường sắt đô thị”. Đây được coi là tiền đề quan trọng cho dự án đường sắt trọng điểm của Hà Nội trong giai đoạn tới.

Tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội sẽ được kéo dài đến Hoàng Mai để tăng hiệu quả kết nối.
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội sẽ được kéo dài đến Hoàng Mai để tăng hiệu quả kết nối.

Theo quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 về Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội-Hoàng Mai (Tuyến 3.2) là một trong những tuyến “lõi”, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đường sắt đô thị của Thủ đô.

Tạo gắn kết chặt chẽ

Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội-Hoàng Mai có tổng mức đầu tư khoảng 40.577 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay ODA (34.297 tỷ đồng) và vốn đối ứng từ ngân sách thành phố Hà Nội (6.280 tỷ đồng, để chi giải phóng mặt bằng, tái định cư, quản lý dự án, thuế và các chi phí khác). Với chiều dài 8,786 km, hầu hết đi ngầm (đi ngầm 8,13 km, còn lại là hầm hở dẫn và đi trên mặt đất) theo hành lang phố Trần Hưng Đạo-Trần Thánh Tông-Kim Ngưu-Tam Trinh với bảy ga ngầm và một khu lập tàu rộng 9,8 ha. 

Tuyến 3.2 sẽ nối dài tuyến  đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn-ga Hà Nội (Tuyến 3.1) ở Ga Trung tâm, kết nối với tuyến số 1, số 2 tại ga Hàng Bài, tuyến đường sắt số 4 tại Vành đai 2.5 và tuyến số 8, tạo nên sự gắn kết chặt chẽ của mạng lưới đường sắt đô thị, giải quyết vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn tại khu vực đô thị trung tâm và giảm lưu lượng phương tiện cá nhân, từ đó giảm đáng kể việc ách tắc giao thông, bảo vệ môi trường.

Sau khi tuyến 3.2 hoàn thành, toàn bộ 21 km của tuyến đường sắt đô thị số 3, từ Nhổn-ga Hà Nội-Hoàng Mai sẽ nối khu vực phía tây qua trung tâm thành phố với khu vực phía nam. Dự kiến đến năm 2030, lưu lượng hành khách của tuyến 3.2 sẽ vận chuyển được 124.000 hành khách/ngày, sẽ là chất xúc tác mạnh mẽ trong việc xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, tái cấu trúc đô thị.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, việc tuyến đường sắt này đi ngầm toàn tuyến giúp giảm diện tích giải phóng mặt bằng, tiết kiệm đất xây dựng; giảm xung đột với các công trình dân dụng, giao thông trên mặt đất; tăng khả năng kết nối với các tòa nhà và công trình ngầm chung quanh các nhà ga. 

Ngoài ra, việc đi ngầm sẽ không phá vỡ cảnh quan đô thị dọc theo tuyến, cũng như tạo điều kiện phát triển không gian phía trên mặt đất với các công trình đô thị, giao thông, cầu vượt và các loại hình giao thông công cộng khác; đồng thời dự án cũng hạn chế chiếm dụng đất và cản trở giao thông trong quá trình thi công xây dựng, giảm ô nhiễm môi trường...

Không để đội vốn, chậm tiến độ

Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho rằng, việc đi ngầm sẽ khiến chi phí đầu tư xây dựng cao và quá trình thi công phức tạp, đòi hỏi công nghệ thi công xây dựng tiên tiến. Trong khi đó, cấu trúc địa chất khu vực Hà Nội không thuận lợi cho các công trình ngầm do nền đất không đồng nhất, có các lớp đất yếu, nước ngầm và nước mặt. 

Do vậy, để giải quyết vấn đề nêu trên, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cùng đơn vị tư vấn đã lựa chọn công nghệ thi công ngầm bằng TBM (Tunnel Boring Machine), đây là công nghệ thi công hầm tiên tiến bậc nhất trên thế giới. TBM có thể thi công trên mọi loại địa chất từ đá cứng đến đất yếu, đất sét, đất bồi hay đất cát dưới mực nước ngầm, đi xuyên núi hay dưới lòng biển. TBM có độ an toàn cao, thân thiện môi trường và không làm rung động, chấn động; thích hợp áp dụng cho đường hầm đô thị.

Từ thực tế triển khai các tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội, trong đó có tuyến Nhổn-ga Hà Nội có phát sinh những vướng mắc liên quan bố trí vốn, giải phóng mặt bằng, tiến độ các dự án thường bị kéo dài, nguồn nhân lực chất lượng cao, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết đã và đang thực hiện các giải pháp thiết thực. Trong đó, các tổ công tác của Chính phủ và Hà Nội đã được thành lập nhằm giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án như nguồn vốn, quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy định về định mức, đơn giá, giá vật tư, thiết bị chuyên ngành... 

Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cũng đã làm việc với các nhà tài trợ và Chính phủ để xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù cho đường sắt đô thị nhằm rút ngắn các quy trình, thủ tục; lựa chọn tư vấn pháp lý và những nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm tốt tham gia triển khai thi công xây dựng.

Để đẩy nhanh tiến độ, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội sẽ tiến hành công tác giải phóng mặt bằng ngay khi quy hoạch chi tiết được phê duyệt hoặc tách phần việc này thành một dự án riêng để thực hiện nhằm bảo đảm có 100% mặt bằng sạch giao cho nhà thầu thi công xây dựng ngay khi ký hợp đồng. 

Đơn vị cũng sẽ tăng cường công tác phối hợp giữa chủ đầu tư, các sở, ngành, UBND các quận để thực hiện tốt công tác lấy ý kiến nhân dân, công khai phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, nắm bắt tâm tư nguyện vọng và yêu cầu chính đáng của nhân dân, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về các cơ chế, chính sách, quy định về giải phóng mặt bằng cũng như hiệu quả của dự án để nhận được sự ủng hộ của nhân dân.