Tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng ngừa tham nhũng

Cùng với việc xử lý nghiêm sai phạm, các cấp, các ngành của thành phố Hà Nội đã chú trọng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phòng ngừa, nhất là tăng cường công khai, minh bạch, đẩy mạnh cải cách hành chính. Đây là những giải pháp góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình số 10-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về "Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025".
0:00 / 0:00
0:00

Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết, huyện có nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện Chương trình số 10 của Thành ủy. Cùng với việc thành lập các ban chỉ đạo về công tác giải phóng mặt bằng, ban chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất đai, trật tự xây dựng..., huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát hằng năm; chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra các cấp tăng cường kiểm tra các tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Hội đồng nhân dân huyện và các xã, thị trấn tăng cường giám sát chuyên đề các cơ quan nhà nước về hoạt động kinh tế-xã hội.

Thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, huyện Đan Phượng đã chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện theo đúng quy định các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá của các cơ quan chuyên môn, nhất là các định mức, chế độ trong chi ngân sách và quản lý sử dụng tài sản công; tiết giảm tối đa kinh phí chi cho các hội nghị; thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên. Tất cả 80 đơn vị đã thực hiện công khai dự toán thu, chi ngân sách; công khai quyết toán ngân sách theo đúng quy định. Công tác đấu thầu, chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu qua mạng đạt tỷ lệ 100% các gói thầu...

Tại quận Hà Đông, từ năm 2021 đến nay, Ủy ban nhân dân quận đã 17 lần rà soát và ban hành thông báo công khai thủ tục hành chính, số thủ tục hành chính rút ngắn thời gian thực hiện 248 thủ tục (tỷ lệ 89,2%). Trong giai đoạn 2021-2022, Quận ủy đã thực hiện quy trình chuyển đổi vị trí công tác đối với 24 cán bộ lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Quận ủy quản lý. Ủy ban nhân dân quận chuyển đổi vị trí công tác đối với 27 công chức, viên chức, trong đó có 10 kế toán là viên chức kế toán thuộc các trường trung học cơ sở; bảy kế toán và 10 công chức địa chính-xây dựng các phường.

Cách làm của huyện Đan Phượng và quận Hà Đông theo đúng phương châm đã đề ra trong Chương trình số 10 của Thành ủy là "Biện pháp phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài và phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách". Ở cấp thành phố, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nhất là đẩy mạnh công khai, minh bạch các chính sách, quy trình, thủ tục giải quyết công việc, gắn với cải cách thủ tục hành chính...

Trong năm 2022, thành phố tổ chức đoàn kiểm tra công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại 20 đơn vị, qua đó chỉ ra những thiếu sót và làm bài học chung trên địa bàn thành phố. Ban Thường vụ Thành ủy thành lập ba đoàn để kiểm tra công tác lãnh đạo và tổ chức thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy, gắn các giải pháp trong công tác kiểm tra, giám sát được nêu trong Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đối với 10 tổ chức đảng, 10 đảng viên; giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của thành phố đối với 10 tổ chức đảng, 12 đảng viên. Các cơ quan hành chính thành phố đã triển khai 339 cuộc thanh tra, kết luận 201 cuộc. Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi 33,9 tỷ đồng; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với 61 tập thể và 85 cá nhân.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đó là một số vụ án, vụ việc chậm kết thúc xử lý; công tác giám định, định giá tài sản trong một số vụ án, vụ việc còn chậm; tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp nổi lên là các sai phạm trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu... Công tác tự kiểm tra, giám sát trong nội bộ vẫn còn hạn chế, rất ít vụ việc được phát hiện qua tự kiểm tra. Công tác thu hồi tài sản mặc dù tăng cao so với các năm trước, nhưng giá trị tài sản phải thu hồi còn tồn đọng lớn.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị Ban Nội chính Thành ủy, các cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp, Ban chỉ đạo của Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác nội chính; nắm chắc tình hình, tham mưu chính xác, kịp thời cho Thành ủy chỉ đạo xử lý mọi tình huống. Trong đó, người đứng đầu phải đề cao vai trò nêu gương trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Các cơ quan cần chú trọng phát hiện qua tự kiểm tra giám sát nội bộ; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm để giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng và kiên quyết xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để xảy ra sai phạm các cơ quan; kiên quyết xử lý hành vi vi phạm được phát hiện, bảo đảm "không có vùng cấm" trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn có hiệu quả tệ "tham nhũng vặt", tệ "phiền hà sách nhiễu".