Tăng cường hoạt động giáo dục di sản cho học sinh

Việc xây dựng chương trình giáo dục tại các bảo tàng nhằm tạo điều kiện để học sinh, sinh viên tiếp cận gần hơn với các giá trị lịch sử-di sản đã góp phần thiết thực vào nâng cao chất lượng dạy-học. Hiện nay nhiều bảo tàng, nhà trưng bày tại Đà Nẵng đã tổ chức, duy trì được các chuỗi hoạt động giáo dục tiêu biểu, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh tham quan triển lãm về chủ quyền biển đảo Việt Nam tại Nhà trưng bày Hoàng Sa, Đà Nẵng.
Học sinh tham quan triển lãm về chủ quyền biển đảo Việt Nam tại Nhà trưng bày Hoàng Sa, Đà Nẵng.

Tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, các hoạt động giáo dục được tổ chức theo lứa tuổi và cấp học, như các chương trình Cùng em khám phá dành cho khối học sinh tiểu học và trung học cơ sở, Tìm hiểu nghệ thuật tôn giáo Champa dành cho sinh viên chuyên ngành lịch sử, văn hóa, kiến trúc, du lịch...

Từ năm 2018 đến nay, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã tổ chức 52 buổi hoạt động Cùng em khám phá cho hơn 3.853 học sinh thuộc các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Đây là nỗ lực rất lớn nhằm mang lại cho học sinh những giờ học lý thú và bổ ích theo phương châm "học mà chơi, chơi mà học", bồi dưỡng cho các em tình yêu di sản và khả năng cảm thụ nghệ thuật thông qua các hiện vật điêu khắc tại bảo tàng, từ đó, nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn, gìn giữ những giá trị di sản văn hóa của đất nước.

Chương trình Cùng em khám phá được nghiên cứu, xây dựng theo các chủ đề khác nhau, phù hợp với từng lứa tuổi học sinh, kết nối với một số nội dung giáo dục phổ thông. Trong đó, phải kể đến các chương trình có sức hấp dẫn rất lớn, được học sinh hào hứng đón nhận như Các con vật thần thoại trong điêu khắc Chăm; Các vị thần trong Ấn Độ giáo; Các bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng…

Ngoài ra, học sinh khối tiểu học được xem phim hoạt hình về các câu chuyện thần thoại liên quan hiện vật tại bảo tàng và thực hành kể chuyện, là hoạt động giúp các em dễ dàng tiếp thu nội dung thông tin hiện vật một cách hứng thú.

Bên cạnh các chương trình giáo dục nêu trên, trong những năm qua, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã phối hợp với nhiều đơn vị trường học tổ chức cho học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập thực tế tại bảo tàng. Từ đầu năm 2018 đến nay, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã tiếp đón và hướng dẫn hơn 24.770 học sinh, sinh viên tham quan, tìm hiểu về di sản văn hóa Champa.

Theo đánh giá của Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Hồ Tấn Tuấn, "Chương trình giáo dục tại bảo tàng đã đáp ứng phần nào nhu cầu tổ chức hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm cho học sinh của các trường trên địa bàn thành phố. Nhiều trường bày tỏ sự quan tâm và thường xuyên đăng ký cho học sinh tham gia chương trình giáo dục tại bảo tàng hằng năm vào đợt hoạt động ngoại khóa của nhà trường, tạo sự gắn kết giữa bảo tàng và trường học trong việc giáo dục di sản cho học sinh", ông Tuấn nhấn mạnh.

Hiện nay, hầu hết các bảo tàng tại Đà Nẵng, các địa điểm trưng bày như Nhà trưng bày Hoàng Sa, Khu căn cứ cách mạng K20… đều phối hợp với ngành giáo dục - đào tạo, các trường học để tổ chức các chương trình, hoạt động giáo dục lịch sử cho học sinh.

Ngoài hoạt động trải nghiệm, tham quan trực tiếp tại bảo tàng, còn tổ chức thực hiện chương trình giáo dục di sản thông qua hình thức trực tuyến trên nền tảng Zoom Meetings nhằm đáp ứng nhu cầu tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh các trường trung học cơ sở.

Với phương pháp học tập có sự kết hợp giữa lắng nghe các nội dung thuyết minh, xem trình chiếu tư liệu hình ảnh, video; ghi nhớ các chú thích, từ khóa quan trọng; hỏi-đáp; tham gia trò chơi trực tuyến… giúp học sinh thêm phần hào hứng, dễ tiếp thu, ghi nhớ kiến thức, từ đó phát triển được các kỹ năng như tìm hiểu và khai thác các nguồn tài liệu trực tuyến, quan sát, phân tích và trình bày vấn đề trong suốt quá trình học.

Em Nguyễn Thanh Hiếu, học sinh Trường THCS Kim Đồng (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chia sẻ, được tham gia các hoạt động giáo dục tại bảo tàng giúp em và nhóm bạn yêu lịch sử trong lớp được tiếp cận nhiều hiện vật quý mà em đã được đọc và tìm hiểu trong sách, báo. Em thích chương trình Cùng em khám phá tại bảo tàng, rất vui và bổ ích.

Ở từng lứa tuổi, việc dạy và hướng dẫn học sinh tiếp cận các giá trị văn hóa, lịch sử cần các phương thức khác nhau, nhưng điều quan trọng nhất là tạo sự kết nối và truyền cảm hứng học tập, trải nghiệm. Chia sẻ về vấn đề này, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Quốc Thư Trâm, Hiệu trưởng Trường mầm non Ngọc Lan (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết: Đối với học sinh Trường mầm non Ngọc Lan, thời gian qua nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm tham quan tại Di tích cấp quốc gia Nghĩa Trủng Phước Ninh, Bảo tàng Quân khu 5, bằng các hoạt động học mà chơi, chơi mà học phù hợp với lứa tuổi các em như nhặt rác, thu dọn đồ chơi, vật dụng cá nhân sau khi tham quan, cùng các cô giáo hoạt động nhóm… Những trải nghiệm mà các em học sinh mầm non thu nhận được, là được hòa mình vào thiên nhiên, môi trường bên ngoài phòng học gò bó, để các em được phát triển toàn diện.

"Việc tổ chức cho học sinh tham quan di tích lịch sử tại địa phương nhằm mục tiêu nuôi dưỡng ở trẻ tình yêu quê hương đất nước, tự hào với truyền thống yêu nước, văn hóa địa phương. Hoạt động tham quan giúp trẻ mạnh dạn tự tin, rèn luyện ý thức kỷ luật khi tham gia hoạt động ngoại khóa và có nhiều điều kiện tương tác cùng cô giáo và các bạn để vui chơi, phát huy ngôn ngữ, tư duy. Trường mầm non Ngọc Lan đã rất thành công khi đưa trẻ tham quan những điểm này, đặc biệt, trẻ 5 tuổi rất mạnh dạn tự tin, vững vàng để bước vào lớp 1", cô Trâm phân tích thêm.