Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội vừa kết thúc đợt giám sát chuyên đề về "Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014-2022" trên địa bàn Thủ đô. Đây là vấn đề thời sự, thu hút sự quan tâm của cử tri cả nước nói chung và cử tri Hà Nội nói riêng.
Kết quả giám sát cho thấy, mặc dù thực hiện các nghị quyết trong điều kiện còn một số nơi thiếu trang thiết bị dạy học, thiếu giáo viên, song thành phố Hà Nội đã nghiêm túc triển khai và dành nguồn lực lớn cho công tác giáo dục đào tạo và thực hiện đổi mới giáo dục. Thành phố đã chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Qua đợt giám sát, thành phố Hà Nội đã kiến nghị Chính phủ có cơ chế pháp lý việc dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình đối với giáo dục phổ thông, cải cách chế độ tiền lương đối với viên chức ngành giáo dục để bảo đảm đời sống và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng. Cùng với đó, xem xét lại quy định về độ tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở vì giáo viên lớn tuổi khó phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi của học sinh các cấp học này.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Nguyễn Mạnh Quyền, nội dung Đoàn Giám sát đưa ra rất thiết thực, thông qua giám sát, thành phố không chỉ tiếp thu các ý kiến gợi mở, đóng góp, mà còn trực tiếp kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả giáo dục đào tạo, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới trên địa bàn Thủ đô.
Với nhiều đổi mới trong phương thức tiến hành, hoạt động giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội ngày càng hiệu quả, thực chất. Thông qua hoạt động giám sát, đã khẳng định tính đúng đắn của chính sách, pháp luật, cũng như kịp thời phát hiện những hạn chế, bất cập để đưa ra kiến nghị bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, làm cơ sở cho việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, từ đó, các cơ quan hữu quan nhận thức đầy đủ trách nhiệm và thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, năm 2023, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội sẽ tổ chức bốn Đoàn giám sát chuyên đề theo Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đặc biệt, Đoàn sẽ phối hợp Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tổ chức giám sát chuyên đề về "Việc thực hiện kiến nghị của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số kiến nghị của cử tri và một số vụ việc tồn đọng, kéo dài trên địa bàn thành phố Hà Nội".
Bên cạnh đó, Đoàn sẽ phối hợp, tham gia các Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội theo kế hoạch và từ những vấn đề "nóng" phát sinh từ thực tiễn.
Một hoạt động nổi bật của Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố trong năm 2022, đó là thực hiện đóng góp xây dựng pháp luật với nhiều hình thức như tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào các dự án luật, gửi công văn đề nghị các cơ quan, đơn vị góp ý bằng văn bản; lấy ý kiến góp ý qua các cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề, tham vấn ý kiến các đối tượng có liên quan…
Từ việc tổ chức lấy ý kiến xây dựng luật một cách khoa học, sáng tạo, trách nhiệm, Đoàn đã tập hợp được nhiều tư liệu và tài liệu tham khảo cung cấp cho đại biểu Quốc hội và nhiều ý kiến đã được phát biểu trên diễn đàn Quốc hội, được đánh giá là có thực tiễn, khả thi và được tiếp thu trong các dự thảo luật. Trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2023, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố đặt ra trọng tâm trong công tác xây dựng luật là tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, ban, ngành chức năng, các chuyên gia và đối tượng chịu tác động của luật, nghị quyết vào 12 dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Đáng chú ý, Đoàn sẽ phối hợp các cơ quan của thành phố tổ chức Hội thảo lấy ý kiến phục vụ việc xây dựng hồ sơ, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, Luật Đất đai sửa đổi.
Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, trong năm 2023, các đại biểu Quốc hội thành phố sẽ tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, đóng góp trí tuệ, ý kiến trực tiếp liên quan đến sửa đổi các luật, trong đó có Luật Thủ đô, lập Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho việc phát triển của thành phố.
Cùng với đó làm tốt hơn công tác tiếp công dân, kịp thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhân dân. Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cũng tiếp tục theo sát, nắm chắc từ sớm, từ xa tình hình thực tiễn của địa phương, tăng cường giám sát để đóng góp hiệu quả vào hoạt động của Quốc hội, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô và đất nước.