Sớm khắc phục tình trạng "mạnh ai nấy làm" trong truy xuất nguồn gốc nông sản

NDO - Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế quốc dân ở nước ta. Chuyển đổi số sẽ giúp cơ cấu lại, giúp hiện đại hóa, nâng cao giá trị, tính bền vững của ngành nông nghiệp. Do đó, Hội Nông dân Việt Nam xác định hỗ trợ hội viên chuyển đổi số là nhiệm vụ hàng đầu để thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản và đặc biệt là thu nhập của nông dân.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu thảo luận, cho ý kiến tại Hội thảo.
Các đại biểu thảo luận, cho ý kiến tại Hội thảo.

Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới sớm ban hành nhiều Nghị quyết, chương trình, chiến lược về chuyển đổi số để thích ứng với tình hình mới cũng như để vận dụng cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại.

Các báo cáo do Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công bố tại Hội thảo khoa học "Cơ hội và thách thức đối với nông dân trong chuyển đổi số, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp", do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức sáng 25/6 tại Hà Nội, cho thấy: Công tác truy xuất nguồn gốc nông sản hiện đang đối mặt nhiều thuận lợi, khó khăn đan xen.

Bên cạnh những chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước và một số thông tư, văn bản hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ, thì hiện tại hạ tầng công nghệ thông tin tại Việt Nam ngày càng được cải thiện; các tổ chức, người dân và doanh nghiệp có nhu cầu ngày càng cao trong ứng dụng truy xuất nguồn gốc thông tin sản phẩm; yêu cầu về công khai, minh bạch hàng hóa, nông sản từ các nước nhập khẩu cũng đang "thúc" nhà sản xuất trong nước nghiêm túc thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản...

Tuy nhiên, hoạt động truy xuất nguồn gốc hiện còn phân tán, chưa đồng bộ. Việc kết nối, chia sẻ giữa các bộ, ngành, địa phương còn rời rạc, "mạnh ai nấy làm". Đáng chú ý, hệ thống pháp luật hiện hành vẫn chưa có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm, sai phạm về truy xuất nguồn gốc, thí dụ như gian lận mã số vùng trồng.

Ngoài ra, việc sản xuất ở nhiều nơi còn manh mún, nhỏ lẻ còn gây khó khăn nhất định khi áp dụng công nghệ hiện đại; tình trạng thiếu nhân lực khiến công tác kiểm tra thông tin, dữ liệu đầu vào cập nhật trên hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản chỉ dừng lại ở công đoạn hậu kiểm; thói quen sản xuất, canh tác, chăn nuôi theo đặc thù vùng miền, không có quy trình rõ ràng, khó áp dụng truy xuất nguồn gốc...

Theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Toàn, Hiệu trưởng Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng trên một phần bắt nguồn từ hạn chế về kiến thức, kỹ năng công nghệ của nông dân cũng như hạ tầng công nghệ ở nhiều khu vực, nhất là vùng sâu, vùng xa. Một số cán bộ Hội Nông dân còn mơ hồ, chưa hiểu rõ về chuyển đổi số, thậm chí có cán bộ lớn tuổi còn chưa sử dụng thành thạo thiết bị di động thông minh.

Song song với đó, chi phí cao cho đầu tư ban đầu để thực hiện chuyển đổi số cũng là "bài toán" lớn khiến nông dân không mặn mà do không đủ nguồn lực. Một số nơi, nông dân sản xuất còn phải ghi số liệu nhật ký sản xuất bằng tay rồi mới nhập thủ công lên máy tính, tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức, chưa kể trường hợp sai lệch.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã đưa ra một số giải pháp từng bước gỡ rối các tồn tại về hạ tầng công nghệ, kỹ năng số, chi phí đầu tư và bảo mật dữ liệu, tận dụng tối đa các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, tranh thủ sự đồng lòng và nỗ lực từ các tổ chức nông nghiệp, doanh nghiệp, đặc biệt là cán bộ, hội viên và nông dân để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.