Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là yêu cầu cấp thiết

NDO - Nhu cầu minh bạch nguồn gốc, chất lượng sản phẩm hàng hóa đang được quan tâm nhiều hơn và trở thành tiêu chí bắt buộc trong xuất khẩu, giữ gìn môi trường kinh doanh trong sạch, bảo vệ người tiêu dùng.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu thảo luận tại hội thảo khoa học Thông tin truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Các đại biểu thảo luận tại hội thảo khoa học Thông tin truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Đó là nội dung được nêu ra tại hội thảo khoa học với chủ đề Thông tin truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, do Đài Truyền hình Kỹ thuật số (VTC) tổ chức ngày 16/5, tại Hà Nội.

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, ông Trần Minh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Ủy viên Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho biết, hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa đang bị phân tán do chưa có sự kết nối, chia sẻ giữa các ngành, địa phương với nhau.

Do đó, để bảo đảm kết nối tốt, cần áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia để triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc chung phù hợp tiêu chuẩn quốc gia gắn với chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Nếu như trước đây, các doanh nghiệp lớn đều có cách thức truy xuất nguồn gốc hàng hóa phục vụ cho mục tiêu nội bộ về kiểm soát chất lượng sản phẩm thì hiện nay, truy xuất nguồn gốc đã trở thành nhu cầu của người tiêu dùng và của thị trường, hướng tới minh bạch về nguồn nguyên liệu và quá trình sản xuất hàng hóa, chống hàng giả, hàng nhái.

Theo thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, 9 tháng cuối năm 2022, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện gần 100.000 vụ việc vi phạm.

Trong đó có hơn có 12.200 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; gần 83.000 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; trên 1.800 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Khởi tố 380 vụ, với 472 đối tượng; thu nộp ngân sách nhà nước từ các vụ việc vi phạm 7.666 tỷ đồng.

Tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đã tập trung thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp cho các vấn đề cấp bách đang đặt ra trong công tác quản lý chất lượng và minh bạch nguồn gốc sản phẩm hàng hóa.

Đó là, thực trạng và nhu cầu truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của người tiêu dùng; những chủ trương xã hội hóa về phát triển giải pháp, chính sách pháp luật về quản lý truy xuất nguồn gốc; yêu cầu quốc tế về truy xuất nguồn gốc và minh bạch thông tin; các giải pháp về truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị sản phẩm…

Với mục tiêu đưa ra những giải pháp có tính thực tiễn cao góp phần chống hàng giả, hàng nhái, hội thảo đã giới thiệu các giải pháp về truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị sản phẩm.

Giải pháp được giới thiệu là Cổng Thông tin truy xuất hàng hóa áp dụng chip RFID. Công nghệ này cho phép nhận biết các đối tượng thông qua thu phát sóng radio, từ đó có thể giám sát, quản lý hoặc lưu vết từng đối tượng. Vì vậy khi sản phẩm được gắn tem sẽ truy vết được từ khâu sản xuất đến các công đoạn lưu thông.

Trong thực tế, truy xuất nguồn gốc đang trở nên cần thiết trong xu thế tất yếu của thị trường. Nhu cầu minh bạch nguồn gốc, chất lượng sản phẩm hàng hóa được quan tâm nhiều hơn và trở thành tiêu chí bắt buộc trong xuất khẩu.

Do đó, rất cần sự chung tay của doanh nghiệp và cả xã hội để đạt được các mục tiêu đề ra tại Quyết định số 100/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc.