Tăng cường quản lý, giám sát mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu ở Đắk Lắk

NDO - Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, các Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng về việc kiểm soát đối tượng kiểm dịch thực vật tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
0:00 / 0:00
0:00
Hiện nay, giá sầu riêng ở Đắk Lắk tăng cao, đạt từ 80.000-100.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập lớn cho người nông dân.
Hiện nay, giá sầu riêng ở Đắk Lắk tăng cao, đạt từ 80.000-100.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập lớn cho người nông dân.

Theo nội dung văn bản, vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật nhận được thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về trường hợp phát hiện một số lô hàng bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, trên chuối, xoài, mít, sầu riêng và thanh long của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Việc không kiểm soát hiệu quả các đối tượng kiểm dịch thực vật ngay từ vùng trồng và cơ sở đóng gói dẫn đến tình trạng các lô hàng không đáp ứng được quy định của Trung Quốc và làm mất uy tín hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, thậm chí có nguy cơ làm mất thị trường xuất khẩu quan trọng này.

Vì vậy, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo cơ quan chuyên môn về bảo vệ và kiểm dịch thực vật tại địa phương thực hiện ngay việc thông báo và hướng dẫn các chủ mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói vi phạm tiến hành điều tra nguyên nhân vi phạm và thực hiện biện pháp khắc phục. Lập báo cáo gửi về Cục Bảo vệ thực vật trước ngày 20/9 để Cục Bảo vệ thực vật thông tin cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc theo các quy định của Nghị định thư nói riêng và Trung Quốc nói chung.

Đối với trường hợp nhận thông báo vi phạm lần đầu, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị địa phương tạm dừng sử dụng mã số, thông báo cho các chủ mã số thực hiện các biện pháp khắc phục và không thực hiện các hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời gian tạm dừng. Chỉ khôi phục mã số khi các vùng trồng, cơ sở đóng gói áp dụng biện pháp khắc phục bảo đảm yêu cầu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Đối với trường hợp mã số đã nhận thông báo vi phạm nhiều lần, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị địa phương thông báo tạm dừng và thực hiện thủ tục thu hồi mã số vi phạm; thông báo kịp thời để bảo đảm các chủ mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói này không thực hiện các hoạt động xuất khẩu.

Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng không làm thủ tục kiểm dịch thực vật đối với những mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đã bị tạm dừng hoặc thu hồi; tăng cường kiểm soát chặt chẽ các đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc tại vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp mã số trên địa bàn tỉnh.

Yêu cầu và có biện pháp giám sát các cơ sở đóng gói thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật bảo đảm làm sạch sinh vật gây hại trên hàng hóa trước khi xuất khẩu. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến rộng rãi quy định của nước nhập khẩu và hướng dẫn kỹ thuật của Cục Bảo vệ thực vật để các đơn vị tham gia sản xuất, xuất khẩu sang Trung Quốc hiểu và tuân thủ.

Vậy, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo cơ quan chuyên môn về bảo vệ và kiểm dịch thực vật tại địa phương triển khai nghiêm túc các hướng dẫn trên. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc cần thêm hướng dẫn chi tiết, đề nghị báo cáo ngay về Cục Bảo vệ thực vật để kịp thời giải quyết.

Theo Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk, tính đến 6/2023, toàn tỉnh khoảng 28.625 ha sầu riêng, tăng 6.167ha so với năm 2022; trong đó diện tích kinh doanh là 9.815ha, chiếm 34,3% tổng diện tích sầu riêng, với sản lượng khoảng 190.000 tấn.

Đến nay toàn tỉnh đã được cấp 49 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích khoảng 2.186ha, sản lượng khoảng 47.310 tấn và 17 mã số cơ sở đóng gói.

Lâu nay, việc sử dụng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để xuất khẩu trên địa bàn tỉnh như sau: Trường hợp doanh nghiệp là đại diện đứng tên mã số vùng trồng thì việc sử dụng mã số theo 2 hình thức sau: thứ nhất, sử dụng mã số để trực tiếp xuất khẩu sản phẩm; thứ hai là ủy quyền cho doanh nghiệp khác sử dụng mã số vùng trồng (doanh nghiệp được ủy quyền phải mua sản phẩm từ vùng trồng của doanh nghiệp ủy quyền).

Trường hợp hợp tác xã là đại diện đứng tên vùng trồng mà không trực tiếp xuất khẩu thì ủy quyền cho doanh nghiệp mua sản phẩm từ vùng trồng của hợp tác xã.

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã thành lập đoàn các kiểm tra về việc giám sát đột xuất vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện kiểm tra, giám sát theo kế hoạch định kỳ trước vụ thu hoạch sầu riêng trên địa bàn quản lý, kết quả đến nay chưa phát hiện vùng trồng và cơ sở đóng gói nào vi phạm.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Cục Hải quan tỉnh thường xuyên phối hợp kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý kịp thời hành vi gian lận thương mại về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu.