Đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc nông sản

Những năm gần đây, chuyển đổi số trở thành vấn đề thời sự của các ngành, lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ số để truy xuất nguồn gốc nông sản hàng hóa đã tạo thêm những giá trị cho nền kinh tế, đổi mới cuộc sống của hàng triệu nông dân, mang lại sự công bằng cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất rau an toàn tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội. (Ảnh: VŨ SINH)
Sản xuất rau an toàn tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội. (Ảnh: VŨ SINH)

Chuyển đổi số-xu hướng tất yếu

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, ngành nông nghiệp đã xác định rõ tầm nhìn đến năm 2030 là phải tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng; kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; phát triển theo hướng nông nghiệp thông minh, chính xác; tăng tỷ trọng trong nền kinh tế với các yếu tố then chốt gồm: chuyển đổi số nông nghiệp, số hóa sản xuất nông nghiệp, phân tích dữ liệu lớn, số hóa bán hàng sản phẩm nông nghiệp, số hóa quy trình xử lý công việc của các cơ quan quản lý nhà nước…

Đến nay, ngành nông nghiệp đang tập trung hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về chuyển đổi số trong các lĩnh vực quản lý ngành. Bộ đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tập trung hoàn thành Đề án Chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến 2025, định hướng đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý III/2023; hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và gắn với việc triển khai Dự án hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu nền tảng ngành nông nghiệp; tiếp tục triển khai dự án “Xây dựng Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2025”, hoàn thiện hồ sơ phê duyệt dự án này.

Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Quốc Toản cho biết, trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện có khoảng 13.800 doanh nghiệp, 19.000 hợp tác xã; riêng trong lĩnh vực chế biến có khoảng 7.500 cơ sở sản xuất, chế biến. Thực tế, việc chuyển đổi số ở các khu vực này còn thấp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa tận dụng tốt chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, hiện có rất ít doanh nghiệp có hệ thống quản lý quan hệ khách hàng và hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp. Trong nông nghiệp, chuyển đổi số nhằm đổi mới phương thức quản trị sản xuất của nhà quản lý doanh nghiệp và phương thức, hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng. Việc ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số sẽ tạo ra các sàn thương mại điện tử, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Quan hệ sản xuất, tiêu dùng thay đổi góp phần giảm chi phí sản xuất và nhân lực tham gia hoạt động thương mại, từ đó thúc đẩy chất lượng giá trị hàng hóa, giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp và lợi ích người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia, chuyển đổi số góp phần làm tăng hiệu quả và năng suất, cải thiện trải nghiệm của khách hàng, mở rộng thị trường và tăng doanh thu, tối ưu hóa quy trình quản lý, tận dụng dữ liệu và thông tin, tăng cường khả năng cạnh tranh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo. Trước những lợi ích chuyển đổi số mang lại, có thể khẳng định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp hiện nay nếu muốn phát triển nhanh, mạnh và bền vững trong thời đại công nghệ 4.0…

Ngày 19/1/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, nhằm xác định những nhiệm vụ cần thực hiện để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc phục vụ hội nhập quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa, trong đó có các sản phẩm hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp…

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số. Tại Việt Nam, nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, đóng góp hơn 15% vào GDP và thu hút khoảng 40% lực lượng lao động cả nước. Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi cho ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai các hệ thống kết nối liên thông Chính phủ; xây dựng cổng thông tin trực tuyến và một cửa điện tử; kết nối mạng diện rộng; xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm chuyên ngành...

Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa, nhằm bảo vệ cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Bảo vệ nhà sản xuất và người tiêu dùng

Truy xuất nguồn gốc nông sản hàng hóa là một trong các nội dung quan trọng của chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây cũng là cơ sở góp phần đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa.

Tuy nhiên, theo nhận xét của bà Đoàn Thanh Hằng, Giám đốc Liên hiệp hợp tác xã nông sản Thái Nguyên, hiện nay, các cơ sở sản xuất vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm nơi đăng ký để cấp mã nguồn cho sản phẩm hàng hóa của mình và việc truy vết nguồn gốc của người tiêu dùng đối với các sản phẩm hàng hóa cũng còn nhiều bất cập.

Do đó, các cơ quan quản lý cần nâng cao nhận thức của xã hội, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo cho các bên liên quan; bảo đảm công khai, minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về truy xuất nguồn gốc.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ chống giả Việt Nam (ACTIV) Phạm Văn Thọ cho biết: Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra phát hiện và xử lý gần 3.000 vụ việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, với số tiền xử phạt gần 30 tỷ đồng.

Tuy vậy, các hành vi vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái vẫn diễn biến phức tạp. Do đó, truy xuất nguồn gốc sản phẩm có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và là một trong các giải pháp giúp người tiêu dùng tìm hiểu về thông tin nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm mà họ đã mua, bảo đảm quyền lợi chính đáng của cả người dân và doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, trong đó có các sản phẩm nông nghiệp.

Nhằm thực hiện xu hướng truy xuất nguồn gốc bằng giải pháp công nghệ chíp (RFID) góp phần nâng cao hiệu quả trong chuyển đổi số, vừa chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu sản phẩm, ACTIV đã hợp tác với Công ty TrueData phát triển giải pháp theo vết hàng hóa TrueData và tích hợp vào truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong chương trình chuyển đổi số. Thông qua đó, các doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể kiểm tra xuất xứ hàng hóa, chống hàng giả nhanh chóng, thuận tiện và đơn giản.

Việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa thực tế đã có từ lâu đối với các doanh nghiệp, nhất là đối với các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp đã áp dụng bài bản các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế vào trong quy trình sản xuất sản phẩm. Việc truy xuất nguồn gốc giúp kiểm soát được chất lượng, độ an toàn và cũng là công cụ truy vết, thu hồi sản phẩm cho doanh nghiệp khi gặp vấn đề lỗi sản phẩm đã cung cấp ra thị trường.

Đối với người tiêu dùng khi mua và sử dụng sản phẩm đều có nhu cầu tìm hiểu những thông tin nguồn gốc sản phẩm đó như thế nào để phòng tránh trường hợp sử dụng phải hàng giả, hàng nhái hoặc hàng kém chất lượng. Trước đây, với các tem, nhãn dán trên sản phẩm, thông tin rất giới hạn, không đầy đủ hoặc không chính xác. Ngày nay, các giải pháp công nghệ để truy xuất nguồn gốc đã được phát triển rộng rãi để người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua điện thoại thông minh. Nhờ đó, sản phẩm trên thị trường được kiểm soát chất lượng minh bạch, người tiêu dùng có niềm tin với sản phẩm của doanh nghiệp.

Khó khăn hiện nay là không phải doanh nghiệp nào cũng ứng dụng giải pháp công nghệ về truy xuất nguồn gốc, bảo đảm minh bạch thông tin cho người tiêu dùng. Thêm vào đó, thực tế đang có rất nhiều giải pháp về truy xuất nguồn gốc nhưng những giải pháp đó đã đúng bản chất về truy xuất nguồn gốc hay chưa, có thực sự cung cấp thông tin chính xác của doanh nghiệp và sản phẩm tới người tiêu dùng hay không thì đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Đây là những vấn đề nan giải trong quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhất là trong bối cảnh hiện nay, các thị trường nhập khẩu nông sản lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đòi hỏi hàng hóa nhập khẩu phải có chứng chỉ, xuất xứ bảo đảm, minh bạch, nhằm bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và sự cạnh tranh bình đẳng của các doanh nghiệp.

Trước những quy định khắt khe từ phía các nhà nhập khẩu về kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, tem nhãn hàng hóa, chứng nhận chất lượng, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật... cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này đã có những giải pháp phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của các doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng thời, các doanh nghiệp và người tiêu dùng mong muốn các cơ quan quản lý phải có cách thức chuẩn hóa cả về mặt kỹ thuật và tiêu chuẩn đối với giải pháp truy xuất nguồn gốc hàng hóa để thống nhất triển khai tại Việt Nam; quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc bảo đảm an toàn hàng hóa, giúp người dân chia sẻ dữ liệu thông tin công khai, minh bạch, dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng…