Trên đường vào chợ Phước Long (phường Phú Mỹ, Quận 7), rác thải đủ loại chất thành đống ven con đường trước cổng chợ, trải dài hàng chục mét. Nước rỉ ra từ những ụ rác này tạo thành vũng trên đường, bốc mùi hôi thối nồng nặc… Còn dọc theo bờ kênh Đôi, khu vực từ cầu chữ Y đến cầu Hiệp Ân (Phường 4, Quận 8), rác thải từ một số căn nhà ven kênh đã bị đưa thẳng xuống kênh Đôi, khiến dòng nước đen ngòm, bốc mùi nặng nề.
Không những vậy, ven bờ kênh này, rác thải các loại cũng chất thành đống. Ở nhiều khu vực khác ở quận Bình Thạnh, Gò Vấp, Bình Tân, huyện Bình Chánh…, rác thải cũng bị xả bừa bãi. Ở một số nơi trên đường Phạm Hùng (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh), rác thải bị vứt tùy tiện, nhất là ở một số con hẻm, một số căn nhà vắng chủ nhiều ngày hoặc nhà chuẩn bị xây dựng mới… Còn tại quận Gò Vấp, các con hẻm trên đường Lê Đức Thọ (Phường 15) xuất hiện tình trạng rác ùn ứ trước cửa nhà dân hoặc ở các khu đất trống…
Với tình trạng xả rác thải bừa bãi, tràn lan ở một số khu vực dân cư, vấn đề ô nhiễm môi trường và cảnh quan đô thị ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. Có thể thấy, nguyên nhân hàng đầu là do ý thức kém của người dân, bỏ rác không đúng nơi quy định, thiếu ý thức, giữ gìn vệ sinh không gian công cộng. Không ít người dân thường vứt rác ra bãi đất trống, kênh-rạch… vì “tiện tay” hoặc để giữ sạch sẽ cho mặt tiền của căn nhà mình…
Bên cạnh đó, ở không ít khu vực, lực lượng thu gom rác làm việc chưa nghiêm túc, không bảo đảm thời gian thu gom rác đúng và đều đặn. Cùng với đó, tình trạng thiếu thùng rác công cộng, chưa tròn trách nhiệm của các đơn vị chức năng liên quan cũng khiến rác thải phát sinh không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường và làm xấu cảnh quan đô thị. Theo thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng, toàn thành phố còn khoảng 70 địa điểm tồn đọng rác thải, ô nhiễm môi trường.
Trước tình hình đó, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp cần tăng cường nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động phù hợp với từng đối tượng người dân về Cuộc vận động “Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh-rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” theo Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19/10/2018 của Thành ủy, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức và hành động của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân thành phố, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; phải làm cho người dân hiểu rõ bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố sạch, xanh, thân thiện môi trường, văn minh, hiện đại là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng, các tổ chức tôn giáo, cán bộ, đảng viên cần tiếp tục phát huy vai trò trong công tác vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan cần đẩy mạnh các giải pháp tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó, cần tập trung chuyển đổi phương tiện thu gom vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường; đầu tư xây dựng thêm các nhà vệ sinh công cộng, thùng rác công cộng…
Đồng thời, các cơ quan, đơn vị thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, rà soát, giải quyết các điểm ô nhiễm, không để phát sinh điểm ô nhiễm mới; duy trì việc tiếp nhận, xử lý kịp thời và giải quyết triệt để theo thẩm quyền các phản ánh của người dân về tình trạng rác thải, vệ sinh môi trường, trật tự đô thị. Các cơ quan, đơn vị chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường; lấn chiếm lòng-lề đường; lấn chiếm cửa xả, hầm thoát nước, lấp miệng cống thu nước…