Đây là mô hình thí điểm trong khuôn khổ đề án “Nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe răng miệng giai đoạn 2021-2030” của Bộ Y tế nhằm giúp cải thiện sức khỏe răng miệng cho học sinh thông qua việc tổ chức khám, tư vấn, điều trị ngay tại trường học, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho phụ huynh và giảm gánh nặng cho hệ thống y tế. Theo đó, từ tháng 4/2024, Sở Y tế thành phố đã triển khai thí điểm mô hình kết hợp giữa trạm y tế và trường học; trong đó, thành lập các tổ nha lưu động bao gồm các nhân viên từ trường học, trạm y tế, trung tâm y tế, được sự hỗ trợ của Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Răng hàm mặt thành phố. Các tổ nha lưu động của trung tâm y tế đã tổ chức khám, kiểm tra sức khỏe răng miệng, điều trị dự phòng cho tất cả các học sinh đang học tại bảy trường tiểu học ở các quận: 1, 5, 6 và huyện Cần Giờ. Đợt 1, thực hiện trong tháng 4, tháng 5 và tái khám đợt 2 sau sáu tháng.
Qua các đợt thăm khám cho thấy, tình trạng sâu răng của học sinh đã được phát hiện, ghi nhận và báo cáo cho giáo viên, phụ huynh/người giám hộ để điều trị kịp thời. Đối với ngành y tế, việc triển khai mô hình “trường-trạm” không chỉ giúp xây dựng cơ sở dữ liệu về sức khỏe răng miệng, mà còn tạo điều kiện để đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ y tế cơ sở. Đến nay, hai bệnh viện tham gia chương trình đã chuyển giao kỹ thuật cho 78 nhân viên y tế của bốn quận, huyện nêu trên, đủ điều kiện thành lập bảy tổ nha lưu động, đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức khám, kiểm tra sức khỏe răng miệng, điều trị dự phòng cho tất cả học sinh ngay tại các trường học.
Tuy nhiên, chương trình thí điểm cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức, nhất là sự thiếu hụt nhân sự y tế chuyên trách tại các trạm y tế và trung tâm y tế so với số lượng học sinh; chưa có cán bộ chuyên trách nha học đường ở các trạm y tế, hầu hết là kiêm nhiệm chưa được đào tạo về kỹ năng lâm sàng. Đối với huyện Cần Giờ có vị trí địa lý xa trung tâm, lực lượng nhân sự hạn chế đã gây trở ngại trong việc triển khai kỹ thuật và vận chuyển vật tư, thiết bị y tế đến các điểm trường… Do đó, cần có sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp, nhất là vai trò của Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Công tác truyền thông cần kịp thời để các phụ huynh, học sinh đồng thuận tham gia; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường-trạm y tế để triển khai hiệu quả mô hình chăm sóc sức khỏe răng miệng cho học sinh tiểu học; mở rộng thêm cơ sở thực hành và tăng thời gian thực hành để các nhân viên y tế thành thạo, thực hiện nhuần nhuyễn các kỹ thuật; tăng cường kiểm tra, giám sát hỗ trợ về chuyên môn cho các tổ nha lưu động của địa phương; tăng cường nhân viên y tế để có thể triển khai tốt chương trình mô hình “trường-trạm” trong chăm sóc sức khỏe răng miệng cho học sinh tiểu học. Đồng thời, cần sự đầu tư đồng bộ từ chính quyền, nhà trường, ngành y tế và sự chung tay của toàn xã hội để mô hình “trường-trạm” trở thành một hình mẫu tiêu biểu trong công tác bảo vệ, nâng cao sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam ■