Bảo mật thông tin cá nhân đúng cách

Trong chín tháng đầu năm 2024, Trung tâm Dữ liệu Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận hơn 57,5 triệu sự kiện mất an toàn thông tin. Trong đó, có tới 56,8 triệu sự kiện tấn công thu thập thông tin. Trong thời đại số hóa đang diễn ra mạnh mẽ, việc phát triển và sống chung với công nghệ là một xu thế tất yếu cho nên việc bảo mật thông tin cá nhân đúng cách chính là tự bảo vệ bản thân khỏi những rắc rối không đáng có.
0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức diễn tập an toàn thông tin năm 2024. (Ảnh QTSC)
Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức diễn tập an toàn thông tin năm 2024. (Ảnh QTSC)

Thực tế cho thấy, việc lộ thông tin cá nhân, nhất là số điện thoại di động, tên tài khoản trên các mạng xã hội Facebook, Instagram… khiến người dân gặp nhiều rắc rối, phiền toái vì tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo… Chị Lê Thị Hà, ngụ phường Phú Hữu, thành phố Thủ Đức cho biết: Cách đây mấy tháng, chị có sử dụng căn cước công dân và số điện thoại để giao dịch vay tiền tại một công ty tài chính. Dù đã trả xong khoản nợ này nhưng hằng ngày, chị vẫn nhận được những tin nhắn hay những cuộc gọi để mời vay tiền, mua hàng, tham gia các khoá học online,...

Thậm chí, người gọi còn đọc đúng địa chỉ nhà khiến chị khá lo lắng, bất an. Tương tự, anh Trần Hữu Hoàn, ngụ quận Bình Thạnh cho biết: Hằng ngày, khi giao dịch bất cứ vấn đề gì, nhân viên đều xin số điện thoại để lưu thông tin. Tuy nhiên, anh cũng chỉ từ chối được một vài giao dịch, còn lại đều phải cung cấp thông tin cá nhân, thậm chí đưa căn cước công dân.

Với sự bùng nổ ứng dụng thông minh, công nghệ như hiện nay, việc nhập thông tin cá nhân lên mạng xã hội khi lập tài khoản, đặt hàng online cũng như sử dụng các ứng dụng không chính thống, không được bảo mật thông tin thì thông tin cá nhân đã bị các nhà cung cấp hay các đối tượng xấu thu thập, sử dụng để trục lợi và nguy cơ bị các đối tượng thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản, để lại những hậu quả khôn lường. Thông tin cá nhân là họ tên, tuổi, hình ảnh, ngày tháng năm sinh, thói quen, nơi ở, số điện thoại, địa chỉ email, các mối quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, công việc, tài khoản ngân hàng... dù là bí mật, quyền riêng tư nhưng hiện nay đều dễ dàng bị lộ lọt.

Khi không thể tránh được các giao dịch trên không gian mạng, người dân cần chủ động thực hiện các giải pháp phòng tránh hoặc hạn chế thấp nhất các rủi ro có thể gặp phải. Đơn giản như việc, hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân trên không gian mạng. Bởi càng chia sẻ nhiều thì nguy cơ thông tin cá nhân càng bị phát tán, càng tạo điều kiện cho kẻ xấu thực hiện hành vi trái pháp luật. Nếu bắt buộc phải cung cấp thông tin cá nhân, người dân cần sử dụng các cơ chế bảo mật thông tin.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, các cá nhân cần tránh sử dụng tài khoản mạng xã hội để kết nối, đăng nhập vào các ứng dụng thứ ba khác. Khi truy cập một trang web yêu cầu đăng nhập, nhiều người dân vì sự thuận tiện thường đăng nhập bằng tài khoản như Facebook, như vậy là người dân đã cho phép ứng dụng truy cập toàn bộ dữ liệu trên mạng xã hội. Mỗi cá nhân nên tạo một địa chỉ email hoặc tài khoản riêng, ít sử dụng không ghi thông tin cá nhân để đăng ký thông tin với những website này. Mỗi cá nhân cần ý thức bảo mật thông tin liên quan đến bản thân và người thân của mình, đây là yếu tố quan trọng nhất trong việc phòng ngừa kẻ xấu lợi dụng sơ hở để khai thác thông tin cá nhân của người dân nhằm thực hiện các hành vi phạm pháp.

Những thành tựu công nghệ đang dần thay đổi cách mọi người sống, làm việc và kết nối, nhưng đi kèm với đó là những rủi ro ngày càng tinh vi cần đối mặt. Để hạn chế điều này, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cũng cần thường xuyên tập huấn, tuyên truyền để người dân hiểu và thực hành đúng nhằm tránh nguy cơ lộ lọt thông tin. Khi thông tin cá nhân được an toàn, không gian mạng sẽ trở thành nơi tin cậy để người dân tìm hiểu, giao dịch và mở mang kiến thức.