Số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 9,5%

NDO - Thông tin từ hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm cho biết, trong năm 2023, số lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 1.068.477 người, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Lao động tìm hiểu thông tin về bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội. (Ảnh: Thủy Nguyên)
Lao động tìm hiểu thông tin về bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Hơn 1 triệu người hưởng trợ cấp thất nghiệp

Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, theo báo cáo từ các trung tâm dịch vụ việc làm, trong năm 2023, số lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 1.104.217 người, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2022 (983.810 người).

Cùng với đó, số lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 1.068.477 người, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2022 (975.333 người). Tổng số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 2.355.621 lượt người, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022 (2.225.758 lượt người).

Trong năm qua, Cục Việc làm tổ chức đoàn kiểm tra tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp tại 4 trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh Bắc Kạn, Gia Lai, Bình Định, Thái Bình.

Trong năm 2023, số lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 1.068.477 người, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2022 (975.333 người).

Đồng thời, đơn vị phối hợp Thanh tra Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện thanh tra về chức năng quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất) về lĩnh vực việc làm, trong đó có chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại một số địa phương. Cụ thể là Thừa Thiên Huế, Hưng Yên và Hải Phòng.

Cơ quan này cũng tổ chức, phối hợp tổ chức thông tin, tuyên truyền các chế độ, chính sách về bảo hiểm thất nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng và các tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó, tổ chức đoàn công tác làm việc với các sở lao động-thương binh và xã hội, trung tâm dịch vụ việc làm nghiên cứu về xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm, hội thảo chuyên đề về đối tượng tham gia, các chế độ và những vấn đề liên quan bảo hiểm thất nghiệp tại nhiều địa phương.

Cùng với đó là triển khai dự án Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.

Trình Chính phủ dự án Luật Việc làm (sửa đổi) vào tháng 6 năm 2024

Đánh giá về tình hình thực hiện chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ, ngành giao, Cục Việc làm cho biết, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị liên tục giảm, duy trì dưới 4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tiếp tục tăng lên, tốc độ tăng cao hơn năm 2022. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2023 là 68%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng/chứng chỉ là 27%. Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 31,58% lực lượng lao động trong độ tuổi với 14,693 triệu người (đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ).

Trong năm 2023, một số văn bản quan trọng về lĩnh vực lao động-việc làm đã được trình cấp có thẩm quyền đã ban hành.

Trong năm 2024, tập trung xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi) bảo đảm tiến độ thời gian trình Chính phủ vào tháng 6 năm 2024.

Cụ thể như: Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/1/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế-xã hội; Nghị định số 70/2023/NĐ-CP ngày 18/9/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong cấp giấy phép lao động; Quyết định số 1474/QĐ-TTg ngày 23/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Bên cạnh đó là các văn bản: Thông tư số 11/2023/TT-BLĐTBXH ngày 17/10/2023 của Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành lao động, người có công và xã hội; Quyết định số 1379/QĐ-LĐTBXH ngày 19/9/2023 của Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/1/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế-xã hội; Quyết định số 1412/QĐ-LĐTBXH ngày 27/9/2023 của Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội về ban hành đơn giá dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm sử dụng từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp; Quyết định số 1560/QĐ-LĐTBXH ngày 17/10/2023 của Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 70/2023/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/9/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; Quyết định số 1734/QĐ-LĐTBXH ngày 6/11/2023 của Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội phê duyệt Kế hoạch hành động của Bộ thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.

Điểm nhấn chính sách quan trọng trong năm 2023 là hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) đã được hoàn thiện. Dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến lần đầu với dự án Luật Việc làm (sửa đổi) vào kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV vào tháng 10/2024 tới.

Một trong những định hướng về nhiệm vụ trọng tâm năm nay là đẩy mạnh công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện các văn bản về lao động, việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động.

Trong năm 2023 là hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) đã được hoàn thiện. Dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến lần đầu với dự án Luật Việc làm (sửa đổi) vào kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV vào tháng 10/2024 tới.

Tiếp đó là hướng dẫn chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện tốt chính sách việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Song hành với đó, tăng cường kiểm tra giám sát, theo dõi nắm chắc tình hình thực hiện chính sách việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động ở các địa phương.

Trong năm 2024, sẽ hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về lao động, việc làm. Trước hết, tập trung xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi) bảo đảm tiến độ thời gian trình Chính phủ vào tháng 6 năm 2024.

Ngoài ra, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp (bổ sung quy định về việc thực hiện quy trình thanh quyết toán các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp) cũng như Thông tư ban hành về định mức kinh tế-kỹ thuật và giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.