Số ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh

Nắng nóng kèm mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để muỗi gây bệnh sốt xuất huyết phát triển khiến số ca sốt xuất huyết tăng mạnh trong thời gian gần đây. Tại Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết hiện tăng gấp ba lần so cùng kỳ năm 2021. Điều đáng nói, do tâm lý chủ quan, nhầm lẫn các triệu chứng sốt xuất huyết với triệu chứng nhiễm Covid-19, nhiều bệnh nhân đã bị chuyển biến nặng.
0:00 / 0:00
0:00
Điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Thanh Nhàn. (Ảnh: MINH QUYẾT)
Điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Thanh Nhàn. (Ảnh: MINH QUYẾT)

Sau một tuần điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Thanh Nhàn, anh Lê Mạnh Hùng ở phố Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng) đã dần ổn định sức khỏe. Anh Hùng cho biết, khi có triệu chứng ban đầu như sốt cao, tay chân nhức mỏi, anh nghĩ mình mắc Covid-19 nên có ra y tế phường làm xét nghiệm. Tuy nhiên, sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính, anh vẫn sốt cao, cho nên sau hai ngày anh phải nhập viện và biết mình mắc sốt xuất huyết. “Đây là lần đầu tiên tôi mắc căn bệnh này nên không nhận ra triệu chứng. Tôi không rõ mình bị lây bệnh từ đâu vì quanh khu vực nhà tôi chưa có trường hợp nào bị sốt xuất huyết. Gia đình tôi vẫn ngủ màn và không hề có chum chứa nước quanh nhà", anh Hùng chia sẻ.

Sau ba ngày bị sốt cao và tự uống thuốc hạ sốt không khỏi, chị Nguyễn Thị Thu (ở đường Tam Trinh, Hoàng Mai) đã bị kiệt sức, không tỉnh táo, nôn nhiều. Xét nghiệm cho thấy tiểu cầu trong máu giảm mạnh. Cũng như anh Hùng, chị Thu, nhiều trường hợp nhập viện gần đây do nhầm lẫn triệu chứng của sốt xuất huyết với triệu chứng mắc Covid-19. Thậm chí có trường hợp sau khi có kết quả test âm tính với Covid-19 thì lại yên tâm điều trị tại nhà, dẫn đến phải nhập viện trong tình trạng bệnh trở nặng.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 8/2022, cả nước ghi nhận 62.411 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 12.600 ca so với tháng 7); trong đó 25 trường hợp tử vong (tăng 17 ca so với tháng trước). Tại Hà Nội, tuy chưa có trường hợp nào tử vong do sốt xuất huyết, nhưng trong tuần qua, thành phố đã ghi nhận 308 trường hợp mắc và 22 ổ dịch mới. Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.342 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp ba lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021. Đáng nói, nhiều người mắc sốt xuất huyết đã tự ý điều trị tại nhà, thậm chí là truyền dịch tại nhà. Tiến sĩ, bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) cảnh báo, việc tự truyền nước tại nhà hoặc sử dụng các dịch vụ tại nhà mà không có sự kiểm soát chặt của nhân viên y tế rất nguy hiểm. Không phải bệnh nhân nào cũng cần được truyền dịch, bởi dịch truyền đôi khi làm tăng gánh nặng cho tim, gây ra tình trạng nguy hiểm ở nhóm người mắc bệnh tim mạch hay hô hấp. Ngoài ra, khi truyền dịch tại nhà, điều kiện về sát khuẩn như bông băng, cồn có thể không bảo đảm, do đó, việc nhiễm khuẩn trong thao tác truyền rất dễ xảy ra.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), đặc điểm của sốt xuất huyết là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Bắt đầu từ ngày thứ tư, bệnh có dấu hiệu nguy hiểm. Vì thế, trong những ngày đầu người bệnh có thể ở nhà, uống thuốc hạ sốt, bù dịch hoặc đi khám để được bác sĩ cho đơn và hẹn tái khám. Từ ngày thứ tư thì nên vào viện, vì đây là lúc có thể xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm.

Theo Bộ Y tế, số ca mắc sốt xuất huyết dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch, kết quả giám sát tại nhiều điểm có chỉ số muỗi, bọ gậy cao vượt ngưỡng. Để phòng bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần dành 10 phút để diệt bọ gậy và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: kiểm tra, phát hiện và diệt loăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thay rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt loăng quăng. Người dân cần ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt, đặc biệt, không tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà.