Cứ vào đầu tháng Chạp, Phạm Văn Dự, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền lại tất bật với việc kinh doanh đặc sản của các vùng miền. Đây là năm thứ hai Dự làm công việc này. Năm ngoái, em đặt mua chè từ Thái Nguyên xuống Hà Nội bán. Tuy nhiên, vì đối tượng mua hàng phần lớn là các bạn sinh viên, ít sử dụng mặt hàng này, cho nên hàng bán không chạy. Tết năm nay em chuyển sang bán hạt dẻ Cao Bằng qua các trang mạng xã hội.
Tương tự như vậy, Trần Thị Hồng Loan, quê ở Yên Bái, sinh viên Trường đại học Thương mại và nhóm bạn của em cũng chọn các món quà quê là đặc sản vùng cao như ô mai táo mèo, hạt mắc-ca, hạt thông rừng… để chào bán trên facebook. Vì bán với giá thấp hơn so với giá tại các cửa hàng nên các món quà quê Loan bán cũng rất đắt khách. Ô mai táo mèo được bán với giá 400 nghìn đồng/kg, hạt mắc-ca hơn 300 nghìn đồng/kg, hạt thông rừng giá 380 nghìn đồng/kg. Để bảo đảm việc giao hàng cho khách, nhóm của Loan phải phân công nhau từng việc một, người đặt hàng, lấy hàng, người gói hàng, các bạn trai đảm nhận việc chuyển hàng cho khách...
Cả Dự và nhóm của Hồng Loan đều cho biết, khách rất thích các loại đặc sản vùng miền. “Nhiều hôm em phải cân, đóng gói hàng cả đêm để sáng mai kịp giao hàng cho khách, vì mọi người đặt hàng ồ ạt quá. Mặc dù không lãi nhiều, nhưng em thấy vui vì học hỏi được thêm rất nhiều kinh nghiệm và kỹ năng bán hàng qua mạng xã hội”, Phạm Văn Dự hồ hởi chia sẻ. Còn Hồng Loan thì cho biết, nhờ kinh doanh cùng nhau mà nhóm của Loan trở nên đoàn kết và hiểu nhau hơn.
Nhiều bạn trẻ khác thì tìm các công việc thời vụ qua các trang web. Gần Tết, các doanh nghiệp cần tuyển gấp nhân viên làm thời vụ với các việc như: bán hàng tại các siêu thị, nhân viên phục vụ các nhà hàng, quán ăn... Tiền lương trả cho nhân viên bán hàng tại các siêu thị trong tháng Tết tương đối cao, khoảng 4,5 triệu đồng/tháng. Tại các cửa hàng bánh kẹo, sinh viên được trả 130 nghìn đồng cho một ca làm việc tám tiếng. Phần lớn công việc này không yêu cầu cao về bằng cấp hay trình độ chuyên môn, công việc đơn giản, không sự ràng buộc, phù hợp với sinh viên.
Lê Ngọc Anh, sinh viên Trường đại học Giao thông vận tải cho biết: “Em vừa mới bảo vệ đồ án tốt nghiệp, ra Tết mới tính nộp hồ sơ xin việc. Tranh thủ thời gian rảnh rang, em tìm thêm việc làm tạm trong dịp Tết”. Ngọc Anh khoe, năm ngoái, cũng nhờ bán hàng dịp Tết tại siêu thị Big C, em được trả 4 triệu đồng để mua sắm quần áo, đặt vé xe về quê, sắm đồ cần thiết cho mọi người, lại còn có tiền mừng tuổi bố mẹ, các cháu ở quê.
Không tìm việc làm theo thời vụ, Nguyễn Thị Huyền, sinh viên Trường đại học Công nghiệp Hà Nội vẫn chăm chỉ với công việc làm giúp việc theo giờ cho các gia đình. Huyền cho biết, vào đợt Tết, ai cũng cần dọn dẹp, sơn sửa nhà cửa. Mặc dù vất vả, nhưng bù lại chủ nhà thường trả tiền công cao hơn so với ngày thường. Năm ngoái, ngoài tiền công, em còn được chị chủ nhà cho thêm tiền xe về quê, tiền mừng tuổi và gửi biếu quà bố mẹ em nữa. Chỉ riêng tháng Tết, em cũng làm được 4 đến 5 triệu đồng, gấp đôi các tháng khác trong năm”. Nhiều bạn sinh viên lại tìm thêm việc tại các làng nghề, như về Tranh Khúc (huyện Thanh Trì) để gói bánh chưng, vào Tây Tựu, phụ giúp các gia đình cắt hoa, tỉa cành... Mặc dù có thu nhập cao nhưng các bạn sinh viên đều xác định, làm thêm vào dịp Tết không chỉ để kiếm tiền, mà quan trọng là có thêm kinh nghiệm, học tính kiên trì, nhẫn nại. Tuy nhiên, các bạn sinh viên cũng cần sắp xếp thời gian đi học, đi làm thêm, nghỉ ngơi cho hợp lý để bảo đảm việc làm thêm không ảnh hưởng đến việc học tập và sức khỏe, không nên vì quá ham kiếm tiền mà xao nhãng việc học tập, giảm sút sức khỏe của bản thân.
Sinh viên tìm việc làm thêm dịp Tết
Với mong muốn trau dồi kỹ năng sống và có thêm thu nhập để trang trải cho việc học tập, phần lớn sinh viên các trường đại học đều tranh thủ tìm các công việc để làm thêm trong dịp Tết.
Sinh viên tham gia bán hàng tại siêu thị. Ảnh: NGA PHẠM |