Sinh kế cho người dân lưu vực các hồ thủy điện

Quảng Nam là một trong những tỉnh ở khu vực miền trung có nhiều công trình thủy điện; thời gian qua, hàng chục nghìn hộ dân phải di dời nhà ở, nhường đất để xây dựng thủy điện. Do vậy, địa phương đã có nhiều giải pháp, chương trình sinh kế nhằm giúp người dân lưu vực các hồ thủy điện có việc làm, tăng thu nhập và sớm ổn định cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
Hơn 100 nghìn cá giống các loại đã được thả xuống lòng hồ thủy điện Sông Tranh.
Hơn 100 nghìn cá giống các loại đã được thả xuống lòng hồ thủy điện Sông Tranh.

Những năm qua, cùng với việc đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các công trình thủy điện, chủ sở hữu và đơn vị quản lý các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nhiều việc làm thiết thực, cụ thể giúp người dân tại lưu vực các thủy điện vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Nhiều đơn vị tổ chức tặng quà Tết cho các hộ nghèo và học sinh nghèo vượt khó học giỏi, hỗ trợ các phong trào thể thao, trao học bổng cho các học sinh nghèo vượt khó học giỏi, tặng quà nhân ngày Tết Trung thu, ủng hộ quỹ phúc lợi, hỗ trợ kinh phí truyền thông và vật tư cho công tác phòng chống thiên tai ở các địa phương.

Trong đó, Thủy điện Sông Bung 2, Sông Bung 4 hỗ trợ cho địa phương (huyện Nam Giang) khoảng hơn 1.070 triệu đồng; Thủy điện Ðăk Mi 4 hỗ trợ cho địa phương gần 310 triệu đồng; Thủy điện A Vương hỗ trợ cho địa phương (huyện Tây Giang, huyện Ðông Giang) hơn 500 triệu đồng...

Hằng năm, các chủ sở hữu và đơn vị quản lý các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh đã phối hợp chính quyền địa phương hỗ trợ người dân vùng dự án. Nhiều mô hình sinh kế đã tạo hiệu quả thiết thực như: Mô hình hỗ trợ lương thực và cây giống cho nhân dân trồng rừng thay thế nương rẫy thuộc khu vực thủy điện Nước Biêu của Công ty cổ phần Thủy điện Nước Biêu.

Ðặng Bá Dự, Giám đốc Sở Công thương

Theo đó, từ tháng 1/2023, người dân ở Thôn 3, xã Trà Cang (huyện Nam Trà My) được hỗ trợ 240 triệu đồng/năm trong thời gian 10 năm, với tổng kinh phí 2,4 tỷ đồng. Hay như mô hình trồng 500 cây dổi lấy hạt tại thôn Lao Mưng, xã Phước Xuân thuộc khu vực Thủy điện Ðăk Mi 4 của Công ty cổ phần Thủy điện Ðăk Mi, với tổng kinh phí 20 triệu đồng; mô hình thả cá giống trên các hồ thủy điện: A Vương, Sông Tranh 2, Ðăk Mi 4, Sông Bung 2, Sông Bung 4...

Cùng với đó, các địa phương còn phối hợp với chủ đầu tư thủy điện lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình khác như: Mô hình nuôi cá thát lát cườm lồng bè trên hồ thủy điện gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xã MaCooih (huyện Ðông Giang); mô hình phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt trên lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My).

Việc trồng thí điểm cây măng cụt tại các huyện: Tiên Phước, Nông Sơn, Hiệp Ðức, với quy mô 14 ha; trồng cây sầu riêng tại xã Quế Trung (huyện Nông Sơn) và các xã: Tiên Lãnh, Tiên Phong (huyện Tiên Phước). Hay như trồng và thâm canh cây cam bản địa tại các xã: Gari và Ch’ơm (huyện Tây Giang) và xã Trà Sơn (huyện Bắc Trà My); trồng rừng gỗ lớn tại các xã: Tiên Phong, Tiên Mỹ và Tiên Lãnh (huyện Tiên Phước) và trồng hỗn giao cây dổi lấy hạt xen keo lai tại xã Trà Dơn (huyện Nam Trà My)... cũng đang được địa phương triển khai tích cực.

Ðể tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân lưu vực các hồ thủy điện, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh và chính quyền các địa phương liên quan tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình sinh kế cho người dân lưu vực các hồ thủy điện trên địa bàn; đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi. Qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển, tạo điều kiện xóa đói, giảm nghèo và cải thiện cuộc sống người dân.

Các địa phương đánh giá hiệu quả các mô hình sinh kế để có giải pháp thúc đẩy phát triển, nhân rộng các mô hình sinh kế có hiệu quả; đẩy mạnh hơn nữa phát triển kinh tế dưới tán rừng gắn việc sản xuất với việc bảo vệ môi trường rừng, môi trường sinh thái; phát triển nông-lâm nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm. Ðồng thời tiếp tục thực hiện các đề án, nghiên cứu và ứng dụng các đề tài khoa học công nghệ, xây dựng các chương trình, dự án phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, bảo đảm tính hiệu quả, thiết thực trong việc phát triển sinh kế người dân.

Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam

Mặt khác, các địa phương cần tăng cường lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án có liên quan để hỗ trợ các địa phương phát triển sản xuất, nâng cao và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Chú trọng việc đầu tư hỗ trợ giống, vật tư gắn với công tác tập huấn hướng dẫn kỹ thuật theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”, tập huấn tại hiện trường; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông thôn miền núi, giới thiệu và xây dựng thương hiệu một số sản phẩm đặc sản và sản phẩm tiêu biểu.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hồ Quang Bửu lưu ý, các ban quản lý rừng trên địa bàn tỉnh cần phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức xây dựng các mô hình sinh kế cho vùng đệm tại lâm phận quản lý và triển khai nhân rộng các mô hình phát triển sinh kế bền vững, hiệu quả, thiết thực; phù hợp với đặc thù địa hình, tập quán của địa phương. Các cơ quan liên quan của tỉnh và chính quyền các địa phương chú trọng kêu gọi đầu tư phát triển du lịch trên lòng hồ thủy điện gắn với phát triển làng nghề, văn hóa địa phương tại một số hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân tại lưu vực các hồ thủy điện.

Quảng Nam có 40 dự án thủy điện, với tổng công suất thiết kế là 1.775,26MW, điện lượng trung bình năm theo thiết kế hơn 6.183 triệu kWh (trong đó có 10 dự án thủy điện bậc thang và 30 dự án thủy điện vừa và nhỏ). Ðến nay, đã có 28 nhà máy đi vào vận hành phát điện và 7 công trình đang thi công xây dựng...