Đoàn kết trên biển khơi

Những “tổ đoàn kết sản xuất trên biển” tại thành phố Đà Nẵng giúp ngư dân cùng đồng hành giữa biển khơi, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, phát huy nguồn lợi thủy sản ven bờ, hỗ trợ nhau phòng tránh thiên tai…
0:00 / 0:00
0:00
Ngư dân Đỗ Công Trường chuẩn bị tàu ra khơi cùng các tổ viên tổ đoàn kết sản xuất trên biển.
Ngư dân Đỗ Công Trường chuẩn bị tàu ra khơi cùng các tổ viên tổ đoàn kết sản xuất trên biển.

Ngư dân Đỗ Công Trường (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) những ngày này neo thuyền tại bờ bởi đang mùa biển động. Hơn 30 năm bám biển, bao nhiêu chuyến đánh bắt trên biển, ông Trường cũng không thể nhớ hết.

Từ một chàng thanh niên theo các tàu đánh bắt, ông gom góp vốn liếng rồi sắm được tàu riêng. Bao nhiêu câu chuyện với biển, buồn có, vui có, ông Trường cũng đã trải qua.

Năm 2015, qua công tác vận động, tuyên truyền của phường về việc lập các tổ đoàn kết sản xuất trên biển, ông Trường hào hứng tham gia. Tổ số 4 được thành lập với 5 thành viên đầu tiên là các chủ tàu cá cùng khai thác vùng khơi, ông Trường được mọi người tín nhiệm bầu làm tổ trưởng. Sau gần 10 năm, tổ có thêm hai thành viên mới, cùng hành nghề câu ở vùng biển Hoàng Sa.

“Ở trên biển, việc gì cũng có thể xảy ra. Dù không ai muốn, nhưng nếu có trục trặc thì những tàu cá ở gần sẽ nhanh chóng đến hỗ trợ. Anh em trong tổ có trách nhiệm dìu dắt nhau trong khi khai thác trên biển, từ đó ngư dân cũng tự tin hơn”, ông Trường chia sẻ.

Ngư dân Lê Dũng (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) sinh ra trong gia đình có truyền thống đi biển. Tàu ĐNa-90098 của ông khai thác nghề lưới rê hỗn hợp. Hiện nay, tổ đoàn kết sản xuất trên biển của ông Dũng có 3 tàu viên.

Nhờ cùng nhau chia sẻ thông tin, hỗ trợ khi cần thiết, các tàu thuyền đã giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế; đồng thời hỗ trợ ứng cứu lẫn nhau mỗi khi xảy ra sự cố trên biển. “Việc tham gia tổ đoàn kết tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên trao đổi thông tin về nguồn cá trên biển để cùng khai thác, hỗ trợ nhau về nhu yếu phẩm và vật tư”, ông Lê Dũng cho biết.

Năm 2018, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 1214/QĐ-UBND về ban hành hướng dẫn việc thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ đoàn kết sản xuất trên biển áp dụng trên địa bàn thành phố.

Theo đó, ngành nông nghiệp phối hợp ủy ban nhân dân các quận có quản lý nghề cá và các phường tuyên truyền, vận động để tổ chức thực hiện, thành lập các tổ đoàn kết sản xuất trên biển. Các tổ được thành lập trên cơ sở cùng ngành nghề, cùng ngư trường.

Tổ viên tham gia tổ đoàn kết gồm chủ tàu cá, chủ các cơ sở mua bán, sơ chế, chế biến thủy sản hoặc cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá. Đến nay, thành phố đã thành lập 94 tổ đoàn kết với 680 tàu cá tham gia (vùng khơi 85 tổ với 575 tàu, vùng lộng và vùng ven bờ 9 tổ với 105 tàu).

Quận Sơn Trà là đơn vị có nhiều tổ đoàn kết nhất của thành phố với 71 tổ và 470 tàu tham gia. Đặc biệt, quận có 45 tàu cá tham gia 2 tổ cộng đồng thực hiện đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng bờ. Với đặc thù riêng, 2 tổ đã tuần tra thường xuyên trong khu vực được giao, quản lý phát hiện các trường hợp vi phạm, kịp thời báo các cơ quan chức năng liên quan để xử lý.

Ngoài ra thành viên tổ cộng đồng phối hợp hỗ trợ chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền vận động ngư dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như bảo đảm vệ sinh môi trường vùng biển khu vực bãi ngang.

Việc thành lập các tổ đoàn kết góp phần chuyển hoạt động khai thác đơn lẻ, chưa có sự gắn kết nhau thành có tổ chức, thực hiện hỗ trợ nhau trong khai thác thủy sản, tiêu thụ sản phẩm, phòng tránh rủi ro, thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời, phối hợp các lực lượng chức năng tham gia bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản và an ninh, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Chi cục trưởng Thủy sản Đà Nẵng Lưu Quang Khánh cho biết: “Trong thời gian qua, mô hình tổ đoàn kết sản xuất trên biển đã góp phần bảo đảm an toàn cho người và tàu cá khi hoạt động sản xuất trên biển; nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn và bảo vệ chủ quyền biển đảo... giúp ngành khai thác hải sản có nhiều chuyển biến tích cực”.