Cả một đời cống hiến cho cách mạng, cho đất nước, hiện tại ông Phùng vẫn tiếp tục cống hiến sức lực, tiền của để làm nhiều việc thiện nguyện với tâm nguyện cuộc sống của mình mỗi ngày trôi qua phải thật ý nghĩa.
Cho đi là còn mãi…
Từng là lính đặc công, tham gia chống Mỹ ở chiến trường Tam Kỳ (nay là thành phố Tam Kỳ), sau khi xuất ngũ vào năm 1977, ông Phùng trở về công tác tại Tòa án nhân dân thị xã Tam Kỳ và đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng như: Thư ký, Thẩm phán, Chánh án. Năm 1993, ông nghỉ hưu và chuyển về làm Bí thư Chi bộ khối phố, rồi tiếp tục tham gia Hội Cựu chiến binh của phường An Xuân.
Từ năm 2014, ông Phùng bắt đầu tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện. Đến nay, ông Phùng không nhớ đã giúp đỡ bao nhiêu người, bao nhiêu mảnh đời khó khăn bất hạnh. Từ việc phát quà thiết yếu cho đến việc xây cầu dân sinh để người dân từ các xã đồng bằng đến miền núi đi lại được thuận lợi, điều đọng lại duy nhất trong ông là niềm hạnh phúc và mãn nguyện khi làm được những việc có ích cho xã hội.
Ông Nguyễn Đình Phùng chia sẻ, bản thân là đảng viên, cán bộ hưu trí, thương binh hạng 3/4 và là hội viên Hội Cựu chiến binh, ông luôn xác định phải nêu cao bản chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, gương mẫu thực hiện những việc làm thường ngày như giữ gìn phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, trung thực, hòa nhã với mọi người, luôn có ý thức xây dựng tập thể đoàn kết; thường xuyên lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân, chấp hành thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tham gia đầy đủ các đợt sinh hoạt chính trị, học tập các nghị quyết của Đảng; luôn đề cao ý thức tôn trọng, phục tùng kỷ luật, chấp hành tốt các quy định của cơ quan, đơn vị và chi bộ.
“Bản thân tôi may mắn hơn nhiều đồng đội đã hy sinh, thương tật tàn phế suốt đời. Bởi vậy, tôi luôn nghĩ sống sao thật có ý nghĩa cho xứng đáng với sự hy sinh của đồng chí, đồng đội”, ông Phùng tâm sự.
Theo ông Đỗ Văn Thương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường An Xuân (thành phố Tam Kỳ), ông Phùng luôn luôn gương mẫu trong mọi hoạt động ở địa phương. Nguyện vọng của ông Phùng là làm từ thiện với tấm lòng của mình chứ không muốn công khai. Từ lúc còn tham gia chiến đấu trong quân đội cho đến bây giờ, ông luôn chăm lo cho người khác mà chưa bao giờ nghĩ đến cho cá nhân mình.
Còn sức, còn đi xây cầu giúp dân
Từ năm 2017 cho đến nay, cựu chiến binh Nguyễn Đình Phùng đã xây dựng được 31 cây cầu dân sinh trên khắp các vùng quê Tiên Phước, Phú Ninh, Núi Thành, Tam Kỳ của tỉnh Quảng Nam. Mỗi cây cầu có chi phí xây dựng thấp nhất là 50 triệu đồng, cao nhất khoảng 90 triệu đồng, tổng trị giá hơn 1,5 tỷ đồng. Toàn bộ chi phí xây cầu là từ tiền của gia đình bỏ ra. Giờ đây, tuy tuổi đã xế chiều, sức khỏe suy giảm nhưng ông vẫn âm thầm tham gia các hoạt động từ thiện giúp đỡ người dân.
Bà Huỳnh Thị Thu (vợ ông Phùng) chia sẻ, bản thân bà và cả gia đình hoàn toàn tán thành việc làm thiện nguyện giúp dân của chồng. Tuy nhiên, tuổi của chồng ngày càng lớn, sức khỏe yếu nên bà rất lo lắng. Có nhiều khi chồng đi tối muộn mới về nhưng bà nghĩ đến chuyện chung lo cho dân nên bản thân cũng thấy vui. Cứ mỗi lần hoàn thành một cây cầu là bà Thu lại chia sẻ niềm vui cùng chồng.
Bà Dương Thị Nhân sống tại phường An Phú (thành phố Tam Kỳ) rất cảm phục khi nhắc đến việc làm thiện nguyện của ông Phùng. “Bản thân tôi thật sự cảm động vì tấm lòng của ông Phùng, là một người cựu chiến binh cũng lớn tuổi rồi nhưng lặn lội đi khảo sát khắp các làng quê. Thấy nơi nào có cầu tạm nguy hiểm, ông Phùng chủ động đặt vấn đề với địa phương, bàn phương án thiết kế, xây dựng cầu. Việc làm của ông Phùng khiến người dân kính trọng và mến thương”, bà Dương nói.
Mỗi khi một cây cầu được hoàn thành, người dân đi lại thuận lợi, chính quyền đồng tình, hưởng ứng, đó chính là động lực thôi thúc ông Nguyễn Đình Phùng tiếp tục hành trình “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Không ngại trời nắng gắt hay mưa gió, có những ngày, ông vượt cả trăm cây số đến giám sát công trình và kiểm tra chất lượng từng cây cầu đã được đưa vào sử dụng. Ông Phùng chia sẻ, suy nghĩ về việc xây cầu của ông là do thấy người dân ở các làng quê không có cầu đi lại rất dễ bị té ngã, thương tật. Xuất phát từ đó, quyết định bỏ tiền túi của gia đình, trong đó, có con trai, hai đứa con gái và vợ nữa để xây cầu cho người dân đi lại. “Tôi hạnh phúc vì có vợ và các con luôn đồng hành, ủng hộ việc xây cầu tặng bà con quê hương. Giờ bản thân tôi đã có tuổi, sức khỏe không còn được như xưa nhưng còn giúp đời được gì thì tôi sẽ cố gắng, chết rồi có mang tiền theo được đâu”, ông Phùng trải lòng.
Bên cạnh việc đi xây cầu, ông Phùng còn giúp đỡ nhiều em học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập; đồng thời, hằng năm, cứ mỗi độ Tết đến, xuân về ông lại hỗ trợ kinh phí cho địa phương để cùng chăm lo cho bà con được đón Tết đủ đầy, vui vẻ. Hiện nay, ông Phùng và gia đình còn tài trợ đỡ đầu cho 13 em học sinh; trong đó, riêng bản thân ông Phùng hỗ trợ cho 2 em mỗi tháng 300.000 đồng/em, tính từ năm 2020 đến nay với số tiền hơn 21 triệu đồng.
Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Tam Kỳ Ngô Trọng Khánh chia sẻ, việc làm của đồng chí Phùng rất nhân văn và có hiệu quả thiết thực. Những cây cầu dân sinh không chỉ giúp việc đi lại, sản xuất của người dân được thuận lợi hơn, mà còn góp sức thay đổi diện mạo và đồng bộ hạ tầng giao thông vùng nông thôn.
“Một người lính Cụ Hồ đã lớn tuổi nhưng vẫn đóng góp cho đời, xây dựng cho quê hương, giúp đỡ nhân dân rất nhiều. Đồng chí Phùng là tấm gương sáng để nhân dân học tập và noi theo”, ông Khánh nhấn mạnh ■