Khai thác tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp ở vùng Lìa, thanh niên trẻ Hồ Văn Thằn quyết tâm khởi nghiệp bằng mô hình trồng trọt và chăn nuôi. Qua nghiên cứu, học tập từ mô hình của các tỉnh miền núi có điều kiện tương đồng, anh Thằn quyết định đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi lợn bản. Từ nguồn vốn vay ưu đãi 50 triệu đồng của Đoàn thanh niên, cùng số tiền tích cóp được, anh xây dựng chuồng trại và nuôi 5 con lợn giống bản địa.
Qua thực hiện thí điểm mô hình cho thấy lợn bản địa rất dễ nuôi, ít đòi hỏi công chăm sóc, chi phí cho nguồn thức ăn thấp, hoàn toàn có thể tận dụng từ nguồn thức ăn sẵn có, như: Cỏ, khoai, sắn, cám gạo… Tận dụng diện tích vườn nhà khá rộng, anh áp dụng mô hình chăn nuôi lợn bán thâm canh, vừa thả vườn vừa nuôi nhốt, tận dụng tốt nguồn thức ăn tự nhiên, công chăm sóc.
Nhờ có kiến thức về thú y, cùng kinh nghiệm nhờ nghiên cứu và học hỏi, anh Thằn chủ động được việc phòng dịch cũng như chăm sóc con giống. Kết quả bước đầu của mô hình rất khả quan, đàn lợn phát triển tốt, sức đề kháng cao, không bị dịch bệnh. Đến nay anh Thằn đã phát triển lên 6 con lợn sinh sản và từ 30 đến 40 con lợn giống thường xuyên. Nhờ có nguồn con giống bảo đảm cho nên dễ dàng cung cấp cho thị trường, chủ yếu là ngay tại địa phương.
Bình quân mỗi năm anh xuất bán từ 60 đến 70 con lợn giống, với giá khoảng 1,2 đến 1,5 triệu đồng/con. Ngoài ra, để kết hợp công chăn nuôi, anh đào ao thả hơn 1.000 con cá trê vàng và hơn 200 con cá trắm giống, làm chuồng trại chăn nuôi thêm gần 10 con bò và dê. Anh Thằn cho hay: Khi có nguồn vốn, kiến thức và kinh nghiệm tôi mới mạnh dạn đầu tư.
Tôi nhận thấy điều kiện đất đai, nguồn thức ăn cũng như nguồn con giống rất phù hợp cho nên quyết tâm xây dựng và dần mở rộng quy mô. Để mô hình phát triển bền vững, thời gian tới, với cách làm lấy ngắn nuôi dài, tôi sẽ mở rộng mô hình đa cây, đa con theo hướng vừa cung cấp lợn giống vừa cung cấp lợn thịt, vừa bảo tồn được giống lợn bản địa, từng bước phát triển kinh tế gia đình...
Cùng với chăn nuôi, anh Thằn còn đầu tư mô hình trồng sắn và tràm. Tận dụng tất cả diện tích đất rẫy sẵn có của bố mẹ để lại, anh tích cóp mua thêm đất để mở rộng mô hình, hiện tại anh có hơn 2 ha tràm và 1 ha sắn. Đến nay, rẫy sắn cho thu hoạch bình quân 10 tấn/vụ; cây tràm đã được 3 năm tuổi, phát triển tốt, hứa hẹn đem lại nguồn thu đáng kể cho gia đình trong ít năm tới.
Tổng thu nhập trong những năm gần đây của gia đình anh đạt gần 150 triệu đồng/năm. Nhờ chăm chỉ làm ăn, anh Thằn từng bước đưa gia đình thoát nghèo, trở thành hộ khá giả trong thôn, xã. Năm 2024, anh đầu tư xây dựng ngôi nhà mới, khang trang trị giá hơn 500 triệu đồng, giúp gia đình có nơi ở ổn định, an toàn.
Không chỉ là gương sáng về hội viên nông dân phát triển kinh tế giỏi, anh Thằn còn là một cán bộ, đảng viên gương mẫu, tích cực trong các phong trào, hoạt động tại địa phương. Hiện tại anh là cán bộ thú y xã Xy và Phó Bí thư Chi bộ thôn Ra Po. “Là người trẻ cho nên tôi không ngại khó, ngại khổ, tích cực tìm kiếm phương cách làm ăn phù hợp.
Tôi mong muốn Đảng, Nhà nước có chính sách khuyến khích, động viên, quan tâm, tạo điều kiện bố trí việc làm phù hợp cho con em đồng bào dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp đại học, tạo động lực để con em vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thêm ý chí, niềm tin vươn lên trong học tập, cuộc sống”, anh Thằn bộc bạch.