Tâm huyết của một người viết sách "không chuyên"

30 năm viết sách, làm sách với phần thưởng cao quý là hai lần nhận Giải vàng Sách hay, nhưng ông Phạm Ngô Minh (sinh năm 1958, trú quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) chỉ nhận mình là một người bình thường mê sách và đọc sách "quên thời gian".
0:00 / 0:00
0:00
Nhà nghiên cứu Phạm Ngô Minh trong thư phòng tại nhà riêng.
Nhà nghiên cứu Phạm Ngô Minh trong thư phòng tại nhà riêng.

Người hai lần giành Giải vàng Sách hay

Căn nhà nhỏ nằm trên đường Nguyễn Công Trứ, gần ngay bến phà Hà Thân, thành phố Đà Nẵng, chứa hàng nghìn cuốn sách nghiên cứu, tiểu luận, văn hóa, lịch sử. Ông Phạm Ngô Minh là người duy nhất tại Đà Nẵng mang về cho Nhà xuất bản Đà Nẵng hai Giải vàng Sách hay do Hội Xuất bản Việt Nam trao tặng (nay là Giải thưởng Sách Quốc gia) vào các năm 2011 và 2015 với hai cuốn sách: Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập (Giáo sư Chương Thâu, Phạm Ngô Minh) và Phạm Phú Thứ toàn tập (nhiều tác giả, Phạm Ngô Minh chủ biên).

Là người cẩn trọng, ông đã dành rất nhiều tâm huyết sưu tầm, dịch thuật, hiệu đính hàng nghìn tài liệu để hoàn thiện từng tác phẩm đồ sộ này. Ông cho biết, Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập là công trình dày 1.809 trang cung cấp gần 100 bài thơ, 12 tác phẩm tiêu biểu của Huỳnh Thúc Kháng; là những bài văn tuyển giai đoạn 1927-1936 của Huỳnh Thúc Kháng đăng trên báo Tiếng Dân; những bài báo của Cụ Huỳnh viết trong giai đoạn 1936-1943. Ông và Giáo sư Chương Thâu (Viện Sử học Việt Nam) đã dành phần tiểu dẫn để nói từng vấn đề về sử học, dịch thuật, giới thiệu súc tích, ngắn gọn giúp người đọc hình dung, bao quát được vấn đề. Tác phẩm này chia theo đề tài, thể loại với kết cấu chương, mục liền mạch giúp bạn đọc hiểu về cuộc đời của cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Đối với tác phẩm Phạm Phú Thứ toàn tập, theo đánh giá của giới chuyên môn, cuốn sách do ông Phạm Ngô Minh chủ biên là công trình biên soạn đồ sộ, công phu, giới thiệu di sản văn chương của Phạm Phú Thứ - nhà khoa bảng, đại thần triều Nguyễn, người có nhiều kiến nghị làm dân giàu, nước mạnh. Di sản văn chương của Phạm Phú Thứ gồm 2.000 trang chữ Hán lần đầu được sưu tập đầy đủ, dịch thuật chuẩn xác, chú giải khoa học.

Đây là một công trình biên soạn đồ sộ, công phu, một đóng góp quan trọng cho sự nghiệp khai thác di sản Hán Nôm Việt Nam… Là người có công đầu và mất rất nhiều năm để xuất bản được tác phẩm đồ sộ này, ông chỉ nhận rằng mình đã may mắn đóng góp được một phần bé nhỏ vào hành trình tìm lại cội nguồn giá trị văn hóa học thuật mà các bậc tiền nhân để lại.

Hiện, ông đã hoàn thiện bản thảo cuốn sách về Chu Mạnh Trinh. Ông tin rằng, những tài liệu, tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của danh sĩ Chu Mạnh Trinh được công bố lần đầu trong tác phẩm này sẽ góp một phần lớn bổ sung hồ sơ về danh sĩ họ Chu.

Văn hóa cội nguồn nuôi giấc mơ tri thức

Nhà nghiên cứu Phạm Ngô Minh sinh ra ở làng Bảo An, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam). Theo mẹ từ quê ra Đà Nẵng, rồi chọn Đà Nẵng làm quê hương thứ hai, nhà ông hồi đó ở ngay bến phà Quận 3, người dân thường gọi là bến phà Hà Thân - nơi chuyên chở người dân từ Quận 3 (quận Sơn Trà hiện nay) sang Quận 1 (nay là quận Hải Châu).

Trên những chuyến phà ngược xuôi mưu sinh ấy, những cuốn sách đầu tiên ông mua bằng tiền của mình đã giúp ông chạm được giấc mơ và trở thành động lực để sau này ông tiếp cận kho kiến thức khổng lồ từ sách. Ông đã nhân rộng kiến thức ấy bằng các tác phẩm sách dày công nghiên cứu, dịch thuật, hiệu đính.

Thư viện sách của ông tại nhà là địa chỉ tin cậy được nhiều sinh viên Đà Nẵng học chuyên ngành khoa học xã hội tìm đến, nhờ ông hướng dẫn tìm nguồn tài liệu.

Ông đặt ra tiêu chí khi làm sách và tuân thủ tiêu chí ấy đến khi hoàn tất tác phẩm. Một cuốn sách, một tác phẩm của ông phải bảo đảm tính chính xác, kiến thức mở dành cho cả giới nghiên cứu lẫn bạn đọc bình thường. Nội dung sách phải đầy đủ, bao quát, mới và thể hiện được sự cô đọng, có nguồn gốc trích dẫn chính xác, hiệu đính tỉ mỉ để người đọc tiếp cận sách một cách mạch lạc, tin cậy.

Một số tác phẩm sách do ông chủ biên, soạn thảo đã xuất bản gồm: Khoa bảng Quảng Nam dưới thời nhà Nguyễn (1601-1919); Sơn Trà: Địa lý-Văn hóa-Du lịch; Khoa bảng Quảng Nam dưới thời nhà Nguyễn; Họ Lê trong lịch sử Việt Nam; Đường phố Đà Nẵng; Hải Châu: nhân vật, lịch sử và địa danh; Sơn Trà: địa lý, văn hóa và du lịch; Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập; Huỳnh Thúc Kháng - tác phẩm chọn lọc; Khoa bảng Quảng Bình; Phạm Phú Thứ toàn tập; Đền thờ làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu...

Ông chia sẻ, mỗi cuốn sách là một kho kiến thức; đọc và nghiên cứu sách chưa bao giờ là việc làm dễ dàng. Người đọc sách cần nuôi dưỡng một tâm hồn lắng đọng, một đầu óc tỉnh táo, lý trí để có thể tiếp cận nguồn tri thức đó, làm đẹp, làm giàu vốn sống cho mình và xã hội. Dù cho cuộc sống hiện đại ngày nay có vô vàn cách tiếp cận thông tin nhưng tri thức từ sách, đọc sách, mãi mãi là nguồn tri thức không bao giờ vơi cạn. Hơn hết là tình yêu với văn hóa, lịch sử, con người ở mỗi vùng quê của đất nước.