Tạo vị thế mới cho nghề trồng quất Hội An

NDO - Những năm qua, nghề trồng quất cảnh đem lại thu nhập đáng kể cho người dân tại các vườn quất ở thành phố Hội An (Quảng Nam), nơi được mệnh danh là “thủ phủ” quất của tỉnh Quảng Nam. Hiện nay, chính quyền thành phố Hội An đang triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển nghề trồng quất cảnh ở địa phương một cách bền vững nhất. Xuân Ất Tỵ 2025 được xem là vụ mùa bội thu của người trồng quất Hội An.
0:00 / 0:00
0:00
Người trồng quất cảnh tại Hội An rất phấn khởi vì vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 được mùa, được giá.
Người trồng quất cảnh tại Hội An rất phấn khởi vì vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 được mùa, được giá.

Đổi thay từ cây quất

Theo người dân xã Cẩm Hà cho biết, khoảng 100 năm trước, trong vườn cây ăn quả của một nông dân ở xóm Bàu Ốc xuất hiện loại cây có lá xanh, thân gai, trái chín vàng. Ban đầu, quất trái chỉ làm nước giải khát và làm mứt, sau này thấy trái chín đẹp, rộ vàng trúng mỗi dịp Tết cho nên người trong làng đem về trồng vào chậu, tạo dáng trang trí và dần hình thành nghề trồng quất cảnh như hiện nay. Việc phát triển nghề quất cảnh không chỉ giúp nhiều người dân trồng quất ở Cẩm Hà “đổi đời” mà còn góp phần cải thiện sinh kế thời vụ đối với hàng trăm lao động địa phương với các công việc như đúc chậu, chăm sóc quất và vận chuyển quất thuê…

Ông Nguyễn Hào (thôn Trảng Suối, xã Cẩm Hà) chia sẻ, theo quan niệm của người xưa, chưng một cây quất cảnh lá tươi xanh, quả trĩu vàng vào ngày Tết Nguyên đán là cách để thể hiện mong ước về một năm mới nhiều may mắn, tài lộc và viên mãn của mỗi gia đình. Do đó, để có một cây quất đẹp, sum suê trái và hoa, người nông dân phải bỏ rất nhiều công sức. “Từ khi nghề trồng quất ở Hội An phát triển thì tôi cũng gắn bó với nghề hơn 20 năm nay. Hiện nghề trồng quất đã trở thành nghề truyền thống của người dân nơi đây. Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều hộ dân tại làng đã làm giàu từ cây quất”, ông Hào phấn khởi.

Theo thống kê, trong vụ quất cho xuân Ất Tỵ 2025, toàn thành phố Hội An trồng hơn 100.000 cây quất các loại, trong đó tập trung chủ yếu ở xã Cẩm Hà và phường Thanh Hà. Riêng tại xã Cẩm Hà có 283 hộ dân trồng quất trên diện tích 65 ha, với số lượng 71.000 cây các loại. Tính đến trung tuần tháng 1/2025, toàn bộ quất vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 đã được thương lái mua hết. Người trồng quất cảnh tại Hội An rất phấn khởi vì vụ Tết năm nay được mùa, được giá.

Theo ông Mai Kim Phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cẩm Hà, thu nhập từ kinh tế vườn, hoa cây cảnh đặc biệt là cây quất cảnh của nông dân Cẩm Hà ngày càng tăng cao. Nếu năm 2013 doanh thu từ nghề trồng quất cảnh chỉ khoảng 15 tỷ đồng, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở khu vực Trung Bộ và Nam Trung Bộ thì đến nay bình quân mỗi năm doanh thu đạt hơn 45 tỷ đồng, thị trường mở rộng khắp mọi miền của Tổ quốc.

Do nghề mang tính đặc trưng địa phương và cho lợi nhuận khá, những năm gần đây xã Cẩm Hà ưu tiên quỹ đất nông nghiệp để mở rộng các vườn hoa cây cảnh tại một số thôn như Bàu Ốc, Trảng Suối, Đồng Nà… Đồng thời kết hợp giữa chuyên canh cây cảnh và phát triển dịch vụ du lịch tại làng rau Trà Quế, góp phần đáng kể vào việc xây dựng xã nông thôn mới Cẩm Hà. “Tại Cẩm Hà đã hình thành các vùng sản xuất quất tập trung. Cùng với quất chậu, có thêm nhiều hộ gia đình làm quất thế, quất bonsai, sản phẩm chế biến từ quất kết hợp tham quan trải nghiệm các vườn quất. Từ loại cây ban đầu cung cấp sản phẩm thuần về thực phẩm đến nay đã trở thành sản phẩm mang tính văn hóa đặc trưng làng nghề”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cẩm Hà Mai Kim Phương chia sẻ.

Phát triển bền vững nghề trồng quất

Nghề trồng quất ở Hội An đã trở thành một thực thể văn hóa sống động, gắn với quá trình hình thành, phát triển làng xã, cộng đồng dân cư, cảnh quan sinh thái địa phương. Năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam đã công nhận nghề trồng quất Cẩm Hà (Hội An) là nghề truyền thống của tỉnh. Tuy nhiên, hai thách thức lớn nhất với việc duy trì, mở rộng nghề này là diện tích đất canh tác hạn hẹp, thiếu hụt đất cát vào chậu và tác động xấu đến môi trường do phải sử dụng lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trong quá trình sản xuất để cho ra cây quất đẹp.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cẩm Hà Mai Kim Phương chia sẻ, trên địa bàn xã bước đầu đã triển khai một số mô hình sản xuất quất hữu cơ. Người dân từng bước thay đổi phương thức canh tác, sử dụng giá thể thay thế đất cát để trồng quất cùng với đó là giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chuyển qua sử dụng thuốc sinh học, từ đó giảm thiểu tác động đến môi trường. “Quy hoạch chung của thành phố Hội An đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định những vùng như Cẩm Hà sẽ giữ lại tối đa quỹ đất nông nghiệp để tiếp tục duy trì nghề trồng quất”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cẩm Hà Mai Kim Phương thông tin thêm.

Hằng năm, thường xuyên vào những ngày đầu tháng Chạp, thành phố Hội An tổ chức Ngày hội cây quất cảnh Cẩm Hà, thông qua sự kiện, hoạt động giới thiệu cây quất cảnh và các sản phẩm chế biến từ quất được giới thiệu, quảng bá, lan tỏa rộng rãi đến công chúng; góp phần tôn vinh nghề trồng quất lâu đời tại địa phương, tạo động lực để người dân gắn bó với nghề, tăng thu nhập cho người dân.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hội An Nguyễn Thế Hùng cho biết, ngoài điều kiện thổ nhưỡng, người trồng quất ở Hội An biết cách chăm sóc, nuôi dưỡng, nên quất to trái, chín vàng và có lá mầu xanh… thể hiện được sức sống tràn đầy và mang lại nhiều tài lộc cho người chơi vào dịp Tết. “Hằng năm, Ngày hội cây quất cảnh Cẩm Hà được tổ chức nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa làng nghề, tạo điều kiện cho bà con nông dân, các nghệ nhân giao lưu; đồng thời tổ chức trưng bày các cây quất đẹp, độc đáo, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ và tạo thêm sản phẩm du lịch độc đáo cho địa phương”, đồng chí Nguyễn Thế Hùng chia sẻ.

Bên cạnh đó, hiện có một số chủ cơ sở dịch vụ sản xuất được cấp chứng nhận OCOP ở Hội An cũng đang tích cực nghiên cứu để chế biến sâu hơn trái quất cũng như một số thành phần của cây quất. Những hướng đi của thành phố Hội An hiện nay ngày càng lan tỏa theo xu hướng phát triển và góp phần vào việc duy trì, phát triển nghề trồng quất ở địa phương một cách bền vững.