Siết chặt quản lý các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập

Thời gian qua, các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập trên địa bàn thành phố đã quan tâm đến việc chăm lo đời sống, vật chất, tinh thần, sức khỏe cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em khuyết tật, góp phần chia sẻ gánh nặng cho gia đình, xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ tại Làng Thiếu niên Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh).
Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ tại Làng Thiếu niên Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh).

Tuy nhiên, gần đây một số cơ sở đã bị tạm đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép do có những hoạt động sai quy định.

Mang trẻ đi giấu vì vượt sĩ số

Mới đây ngày 25/10, Ủy ban nhân dân Quận 12 có quyết định tạm đình chỉ hoạt động 12 tháng đối với Mái ấm tình thương Quan Âm (số 222-224 Nguyễn Thị Búp, phường Hiệp Thành) do vi phạm trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em; đồng thời, quận đề nghị Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố hỗ trợ tiếp nhận vào các cơ sở trợ giúp xã hội do sở quản lý đối với 33 trẻ em hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng tại mái ấm này.

Sự việc dẫn đến sai phạm tại Mái ấm tình thương Quan Âm chỉ được phát hiện khi hai người mẹ trình báo đến cơ quan công an quận vì “gửi con tại mái ấm nhưng từ tháng 9 tới nay, đến thăm con thì không gặp”. Qua làm việc với Công an Quận 12, bà Trần Thị Lập (quản lý cơ sở Mái ấm tình thương Quan Âm) cho biết:

Do cơ sở chỉ cho phép chăm sóc, nuôi dưỡng nhiều nhất 33 trẻ nhưng thực tế lại vượt sĩ số cho nên bà đã đưa hai bé trên về chùa Thanh Nghiêm (phường Minh Thành, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) từ tháng 8/2024. Sau đó, khuya ngày 24/10, cơ sở Quan Âm đã đưa hai trẻ về lại mái ấm này. Tối 25/10, các cơ quan chức năng đã liên lạc được với hai người mẹ để tiến hành thủ tục bàn giao hai trẻ cho gia đình.

Cũng liên quan đến việc giấu trẻ để đối phó với cơ quan chức năng, ngày 13/9, Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh có văn bản chỉ đạo Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp Công an quận và Ủy ban nhân dân Phường 15 làm việc với bà Lê Thị Thu Hoa, chủ cơ sở Chúc Từ (địa chỉ 57/8, đường Điện Biên Phủ, Phường 15, quận Bình Thạnh) vì liên quan đến việc đưa 41 trẻ em do cơ sở này nuôi dưỡng về gửi tại ba địa điểm thuộc các địa phương gồm Long An, Bến Tre, Lâm Đồng.

Theo đó, trước ngày 5/9, bà Hoa đối phó với đoàn kiểm tra quận nên đã đưa 41 trẻ trong số 87 trẻ do cơ sở nuôi dưỡng (từ 1 tháng đến 7 tuổi) về ba địa phương gồm Long An, Bến Tre, Lâm Đồng. Cụ thể, gửi 15 trẻ tại chùa Hưng Phước (xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre); gửi 15 trẻ tại Tịnh thất Hồng Liên (xã Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An); 11 trẻ còn lại gửi tại chùa Di Đà (xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng).

Ngoài ra, bà Hoa còn đưa 24 trẻ tại cơ sở này “tạm lánh” tại chùa Phật Bửu (ấp Cây Trâm 2, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi) nhằm đối phó với đoàn kiểm tra của quận Bình Thạnh. Sau đó, khi vụ việc bị phát hiện, 24 trẻ từ chùa Phật Bửu đã được chuyển đến Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân, thành phố Thủ Đức chăm sóc, nuôi dưỡng.

Chính vì giấu trẻ cho nên thực tế tại thời điểm quận Bình Thạnh tổ chức đoàn kiểm tra vào ngày 5/9 tại cơ sở này chỉ có 22 trẻ đang nuôi dưỡng. Ngày 9/9, Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh đã ban hành quyết định tạm đình chỉ hoạt động tại cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em Chúc Từ.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Thái Thị Hồng Nga cho biết: Các cơ quan chức năng quận đang tiếp tục thực hiện các nội dung xác minh, điều tra về hoạt động của cơ sở này. Sau khi có kết quả chính thức, Ủy ban nhân dân quận sẽ chỉ đạo Công an quận cùng các ngành liên quan có hướng xử lý phù hợp, đúng quy định.

Xử lý nghiêm các cơ sở cố tình vi phạm

Cùng với một số cơ sở bảo trợ xã hội vi phạm bị tạm đình chỉ hoặc rút giấy phép, vụ việc bạo hành trẻ xảy ra tại cơ sở Mái ấm Hoa Hồng (Quận 12) đã làm dư luận hết sức bức xúc. Cơ quan công an đã điều tra, khởi tố, bắt giam đối với hai bảo mẫu tại mái ấm này.

Cơ sở này được cấp phép nuôi dưỡng 39 trẻ nhưng thực tế nuôi dưỡng 85 trẻ và vụ việc cũng chỉ phát hiện qua đơn tố giác của những người liên quan mà thiếu sự giám sát, kiểm tra từ chính quyền địa phương.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố, tính đến tháng 9/2024, Thành phố Hồ Chí Minh đang quản lý 63 cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập (23 cơ sở do thành phố quản lý và 40 cơ sở do cấp quận, huyện quản lý); trong đó, cơ sở nuôi dưỡng chăm sóc trẻ em là 39 cơ sở. Với sự tham gia, góp sức của các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập đã nâng cao hiệu quả công tác an sinh, trợ giúp xã hội trên địa bàn thành phố trong thời gian qua.

Tuy nhiên, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố nhìn nhận: Thời gian qua một số cơ sở chưa tuân thủ, chấp hành, triển khai nghiêm các chủ trương, chính sách các quy định, các văn bản chỉ đạo của thành phố; trong đó, công tác tuyển dụng, đào tạo, giáo dục đạo đức, quản lý, giám sát ý thức chấp hành pháp luật của nhân viên còn nhiều hạn chế tại một số cơ sở.

Ngoài ra, vẫn còn tình trạng các cơ sở tiếp nhận trẻ vượt quy mô cho phép, nguy cơ mất an toàn cho đối tượng được chăm sóc. Các cơ sở bảo trợ có tình trạng tiếp nhận, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân chưa thực hiện bảo đảm theo quy định...

Theo Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Lê Văn Thinh, trong sai phạm của Mái ấm Hoa Hồng cũng như một số cơ sở xảy ra gần đây cho thấy, công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tại các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập thuộc thẩm quyền quản lý của quận, huyện, thành phố Thủ Đức có lúc, có nơi chưa thực hiện nghiêm túc.

Ngoài việc chủ mái ấm không tuân thủ quy định, công tác kiểm tra, giám sát thuộc về chức trách của chính quyền địa phương. Vì vậy, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập trên địa bàn quản lý; đồng thời, xử lý nghiêm các cơ sở cố tình vi phạm hoặc tái phạm theo thẩm quyền; thực hiện tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, dừng trợ giúp xã hội bảo đảm trình tự, thủ tục theo quy định, nhất là nghiêm cấm hành vi bạo hành, ngược đãi, xâm hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của đối tượng cần được trợ giúp.