Chủ động trong quản trị
Là một trong các địa phương có số lượng doanh nghiệp đông nhất cả nước, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thời gian qua, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ trong sản xuất, kinh doanh, tài chính, quản trị cho các doanh nghiệp.
Theo đó, cơ quan chức năng tăng cường công tác hỗ trợ, xây dựng nhóm giải pháp như: Tìm nguồn nguyên liệu mới, tìm thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ về nguồn vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, bảo đảm cho các doanh nghiệp này tiếp cận được nguồn vốn, thủ tục nhanh và hiệu quả nhất; xây dựng nhóm giải pháp khuyến khích chuyển đổi số, kinh tế số, dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng công nghệ cao.
Còn ở quy mô cả nước, số liệu thống kê cho thấy, năm 2019 Việt Nam có 668.500 doanh nghiệp; trong đó, doanh nghiệp tư nhân trong nước là 647.632 doanh nghiệp. Ðến năm 2023, số doanh nghiệp tư nhân đã tăng lên 809.968 doanh nghiệp.
Hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế tư nhân dần được nâng lên, có tỷ trọng đóng góp GDP khoảng 39-45%. Tuy nhiên, một trong những vấn đề liên quan đến công tác quản trị và pháp lý, dù rất quan trọng nhưng chưa được nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ chú trọng. Tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả quản trị tài chính và bảo đảm an toàn pháp lý đối với doanh nghiệp” do Tạp chí Tài chính doanh nghiệp và Trung tâm Trọng tài thương nhân Việt Nam phối hợp tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh mới đây cho thấy, hiện có đến 90% số doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vấn đề pháp lý và tài chính doanh nghiệp là một trong những vấn đề nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận, áp dụng trong điều hành, quản trị.
Giám đốc Khối Tài chính-Kế toán, Tập đoàn Hưng Thịnh Phạm Xuân Hòa cho rằng: Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn sau dịch Covid-19 thì các mục tiêu, định hướng những giải pháp, công cụ, kiến thức nhằm hoạch định, định hướng cho doanh nghiệp phát triển là rất quan trọng. Nhiều doanh nghiệp chú trọng vào kinh doanh mà quên đi công tác quản trị tài chính. Việc quản trị không chặt sẽ gây ra những hệ lụy rất lớn.
Thời gian qua, Tập đoàn Hưng Thịnh gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Ðể tái cơ cấu, một trong những vấn đề doanh nghiệp tập trung là công tác quản trị, trong đó có vấn đề tái cấu trúc về quản trị rủi ro và tài chính phải được doanh nghiệp chú trọng. Ông Hà Khắc Minh, Tổng Biên tập Tạp chí Tài chính doanh nghiệp nêu thí dụ: Thực tế tình trạng chủ doanh nghiệp “ôm” tất cả các quyết sách của doanh nghiệp hiện đang rất phổ biến.
Các chuyên gia đánh giá cách làm như thế quá rủi ro khi vị này có sự cố hoặc tỷ lệ đúng của quyết sách cũng khó đạt được yêu cầu trong quá trình hoạt động. Ðồng quan điểm, ông Phạm Xuân Hòa cho rằng: Doanh nghiệp nên phân quyền tự chủ đối với lãnh đạo các phòng, ban. Cùng với đó là công tác quản trị doanh nghiệp phải đi liền với việc tiết kiệm hiệu quả và tối ưu chi tiêu một cách hiệu quả.
Trong quản trị, các doanh nghiệp hạn chế việc thuê dịch vụ bên ngoài bởi nhiều hệ lụy có thể xảy ra trong quá trình thanh, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước. Tùy quy mô doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp nhỏ thì không nên sinh ra các phòng, ban chức năng về tài chính kế toán để tối ưu hóa các nguồn lực thực tế tại doanh nghiệp, nhưng công tác quản trị cần thực sự chỉn chu, chuyên nghiệp để doanh nghiệp phát triển đúng hướng và bền vững.
Tầm quan trọng của pháp lý
Tiến sĩ Ðặng Văn Sáng, nhà tư vấn doanh nghiệp cho biết: Doanh nghiệp có ba cấp độ lớn, vừa và nhỏ. Mỗi cấp độ thì quy mô quản trị tài chính cũng sẽ khác nhau. Ðối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc đi thuê dịch vụ là rất phổ biến. Tuy nhiên, hệ lụy lớn nhất là các đơn vị dịch vụ không có nhiều hiểu biết về văn hóa doanh nghiệp.
Ðể khắc phục vấn đề này, doanh nghiệp cần nỗ lực bằng cách tối ưu hóa nội dung quy trình quản trị tài chính doanh nghiệp để doanh nghiệp phát triển tốt hơn. Tiến sĩ Kinh tế, Luật sư Ðào Xuân Sơn, nhà tư vấn doanh nghiệp đề xuất: Quản trị doanh nghiệp là cốt lõi trong hoạt động của doanh nghiệp.
Nếu chưa có điều kiện thì vẫn phải chọn được các đơn vị uy tín về kế toán kiểm toán; các đại lý thuế uy tín, đơn vị tư vấn tài chính chuyên ngành để bảo đảm công tác hoạch định tài chính cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, các công tác này nếu phát triển tự thân từ các nguồn lực nhân lực của doanh nghiệp thì sẽ hiệu quả hơn.
Ðứng ở góc nhìn pháp lý, bà Nguyễn Thị Cẩm Ninh, Giám đốc pháp lý và tuân thủ Công ty Nestle Việt Nam cho biết: Là công ty đa quốc gia cho nên các quy trình pháp lý của Nestle đã vào “guồng”, song đối với một số vấn đề vẫn phải thuê các đơn vị pháp lý bên ngoài nhưng tiêu chí cũng được đặt ra rất chặt chẽ.
Ðiều này có sự tham vấn, ý kiến của đội ngũ luật sư để hiệu quả đạt được cao nhất. Việc đề ra một danh sách các công ty luật, luật sư để khi có các sự cố liên quan thì có thể liên hệ được ngay là điều mà các doanh nghiệp cần lưu ý. Dù ở quy mô nào, công tác pháp lý đối với doanh nghiệp đều vô cùng quan trọng.
Nhiều luật sư cũng cho rằng: Công tác pháp lý là rất quan trọng khi chủ doanh nghiệp sẽ người là bảo vệ về mặt pháp luật, điều hành, tuân thủ pháp luật của chính doanh nghiệp mình. Luật sư Nguyễn Hoàng Chương, Trưởng phòng Pháp lý cấp cao, Công ty cổ phần quốc tế Việt Thái cho biết: Trong thực trạng hiện tại, nhiều bộ phận khác luôn cho rằng, bộ phận pháp lý gây khó khăn đối với các bộ phận khác.
Nhưng nếu ở góc nhìn khác, đây là bộ phận đang cố gắng bảo vệ và quản trị rủi ro về pháp luật cho doanh nghiệp. Ðối với doanh nghiệp ở tầm nào thì cũng nên có bộ phận pháp lý để tạo ra “bức tường” nhằm bảo vệ trước những rủi ro trong quá trình quản trị bởi xã hội, môi trường kinh doanh luôn thay đổi nhanh chóng. Ðối với doanh nghiệp, việc ban hành quy trình xử lý và ứng phó với các vấn đề pháp lý là rất quan trọng để chủ động thực hiện các vấn đề xử lý khi có các sự cố liên quan pháp lý phát sinh.