Quyết liệt chặn hàng giả, hàng nhái dịp cuối năm

Lực lượng quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai quyết liệt các chiến dịch truy quét và xử lý các cơ sở kinh doanh hàng giả, hàng nhái thương hiệu từ chợ, trung tâm thương mại đến các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook…
Lực lượng quản lý thị trường thành phố thường xuyên kiểm tra hàng hóa bày bán tại Saigon Square và liên tục phát hiện vi phạm.
Lực lượng quản lý thị trường thành phố thường xuyên kiểm tra hàng hóa bày bán tại Saigon Square và liên tục phát hiện vi phạm.

Hàng giả, hàng nhái… mang lại nguồn thu lợi nhuận khổng lồ. Vì vậy, không ít tiểu thương sau khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ sản phẩm vẫn tiếp tục tái phạm. Giữa tháng 10/2024, chúng tôi đến trung tâm thương mại Saigon Square (Quận 1) và được nhiều tiểu thương nơi đây chào mời đủ các sản phẩm giả, nhái từ quần áo, giày dép, túi xách… chính hãng với giá rẻ không ngờ. Giới thiệu loạt túi xách “hàng hiệu” như Gucci, Chanel, Christian Dior… với giá chỉ từ 500.000-1.000.000 đồng/sản phẩm, tiểu thương cam kết túi đẹp, chất lượng, giá cả lại không thể “mềm” hơn nên khách có thể mua vài túi để thay đổi khi đi làm, đi chơi.

Quan sát các sản phẩm này, vẻ bề ngoài không thua gì hàng thật đang bày bán ở các cửa hàng nhưng giá lại rẻ hơn rất nhiều. Tuy nhiên, khi sờ vào sản phẩm, chúng chủ yếu làm bằng da simili, đường may nhiều lỗi chứ không tinh xảo như hàng thật. Tại một quầy giày dép, chúng tôi bắt gặp đủ các sản phẩm nổi tiếng thế giới đã được bảo hộ thương hiệu tại thị trường Việt Nam, cũng được tiểu thương bày bán công khai với giá chưa tới 100.000 đồng/sản phẩm. Thậm chí, tiểu thương còn sẵn sàng giảm giá để khách đến là mua được hàng.

Ðiều đáng nói, Saigon Square vừa được lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, thu giữ nhiều sản phẩm giả, nhái trong tháng 9 vừa qua nhưng tiểu thương nơi đây vẫn tiếp tục tái phạm. Cụ thể, Ðội Quản lý thị trường số 4 đã đồng loạt kiểm tra một số điểm kinh doanh tại Saigon Square và phát hiện hàng trăm sản phẩm quần áo, túi xách, ví, trang sức xi mạ không có hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nước ngoài đang được bảo hộ tại Việt Nam. Ðội Quản lý thị trường số 4 đã tiến hành niêm phong, tạm giữ toàn bộ hàng hóa nêu trên để xử lý theo quy định.

Chợ Bến Thành (Quận 1) là điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước khi đến với Thành phố Hồ Chí Minh. Tại các quầy hàng thời trang, tiểu thương giới thiệu các loại áo thun thương hiệu Polo, Louis Vuitton, Adidas… với giá tầm 500.000 đồng/cái, thậm chí có người còn treo bảng đồng giá từ 100.000-150.000 đồng/cái. Từ 16 giờ trở đi, tại phố thời trang trên đường Nguyễn Trãi (Quận 5), tiểu thương đổ hàng đống “đồ hiệu” từ túi xách, giày dép, quần áo… ngay trên vỉa hè với giá chỉ vài chục nghìn đồng/món.

Chị Hương (25 tuổi) tìm được hai chiếc túi xách “hàng hiệu” khá ưng ý với giá không thể rẻ hơn, chỉ 55.000 đồng/cái. “Mình ít tiền nên thường ra vỉa hè để chọn mua quần áo, giày dép khi cần. Với mức giá này thì chỉ có hàng nhái thôi nhưng đẹp, rẻ là được”, chị Hương nói.

Theo lời một tiểu thương chuyên kinh doanh hàng nhái cho biết: Hàng nhái có nhiều loại từ cấp thấp đến cao cấp, có loại vài ba chục nghìn đồng nhưng cũng có loại cả triệu đồng. Sở dĩ sản phẩm có giá rẻ vì chủ yếu phục vụ đối tượng khách hàng là học sinh, sinh viên hay những người có thu nhập thấp. Những khách hàng này chỉ quan tâm đến yếu tố mẫu mã đẹp, giá rẻ và được gắn mác các nhãn hiệu nổi tiếng được ưa chuộng.

Hàng giả, hàng nhái thương hiệu không chỉ được bày bán trực tiếp mà còn thi nhau lên mạng, sàn thương mại điện tử. Mới đây, Cục Quản lý thị trường thành phố đã liên tiếp truy bắt nhiều cơ sở kinh doanh hàng hóa giả, nhái nhãn hiệu thông qua các kênh mạng xã hội như TikTok, Facebook.

Cụ thể, Ðội Quản lý thị trường số 18 phát hiện hộ kinh doanh thời trang H. T.H. (đường Nguyễn Ảnh Thủ, xã Bà Ðiểm, huyện Hóc Môn) đang giới thiệu, chào bán hàng hóa trên TikTok nên đã phối hợp với Ủy ban nhân dân xã Bà Ðiểm kiểm tra, tạm giữ 41 sản phẩm thời trang hiệu Louis Vuitton có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam, tổng trị giá hàng hóa hơn 23,2 triệu đồng.

Tương tự, Ðội Quản lý thị trường số 18 kiểm tra cửa hàng thời trang N-H (đường Phan Văn Hớn, huyện Hóc Môn) do ông N.N.P. làm chủ cũng đang chào bán hàng hóa thời trang có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu trên mạng xã hội trên. Theo Cục Quản lý thị trường thành phố, Quận 1 là địa bàn trọng điểm, nơi tập trung các tuyến phố du lịch, trung tâm thương mại, điểm trung chuyển, nơi chứa trữ, bày bán, kinh doanh các loại mặt hàng đa dạng về chủng loại, giá cả…

Ngay từ đầu năm, Cục Quản lý thị trường đã yêu cầu lực lượng quản lý thị trường tăng cường quản lý địa bàn nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển, chứa trữ buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn mác và xuất xứ Việt Nam, giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại các địa bàn trọng điểm (bao gồm các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các chợ, cửa hàng, Saigon Square, Bến Thành, Taka Plaza, Chợ Nga Quận 1…) và các tuyến đường nổi cộm như Nguyễn Trãi, Lưu Văn Lang, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Cách mạng Tháng Tám…

Có nhiều lý do khiến hàng giả, hàng nhái vẫn tồn tại nhiều năm nay. Ðó là sự bất chấp vì lợi nhuận của người kinh doanh, sự dễ dãi của người tiêu dùng…; ngoài ra, còn do nhân lực quản lý không đủ để kiểm soát thị trường rộng lớn; chế tài xử phạt còn quá nhẹ. Hàng lậu, hàng giả làm trì trệ sự phát triển kinh tế, gây bất ổn xã hội, làm thiệt hại cho giới doanh nghiệp, ảnh hưởng nặng nề đến người tiêu dùng.

Do đó, bên cạnh hoàn thiện quy định pháp luật, tăng nặng việc xử phạt, thậm chí xử lý hình sự đối với cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh hàng giả, hàng nhái tái phạm nhiều lần thì còn có trách nhiệm của doanh nghiệp và người tiêu dùng khi phát hiện hàng hóa vi phạm.

Phó Cục trưởng Quản lý thị trường thành phố Nguyễn Quang Huy cho biết: Ðể kiểm tra và xử lý theo đúng quy định của pháp luật về các hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, Cục Quản lý thị trường thành phố đã ban hành và triển khai nhiều kế hoạch từ nay đến cuối năm.

Các đội quản lý thị trường tiếp tục triển khai kế hoạch về chống hàng giả tại các địa bàn trọng điểm, tại các ổ nhóm, tụ điểm; đồng thời, tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động kiểm soát tình hình, phối hợp các lực lượng chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các đội quản lý thị trường tăng cường công tác tuyên truyền, ký cam kết nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa tới các tổ chức, cá nhân, gồm: Siêu thị, trung tâm thương mại, ban quản lý chợ, hiệp hội, làng nghề, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các đơn vị hoạt động thương mại điện tử…

Trong chín tháng đầu năm nay, lực lượng quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra, xử lý 937 vụ vi phạm về hàng giả, tạm giữ số lượng tang vật hơn 111.000 sản phẩm gồm các mặt hàng quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồng hồ, hàng thời trang, hàng tiêu dùng với tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng; đồng thời, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và thu nộp số tiền hơn 11,1 tỷ đồng.