Đầu năm nay, Thành phố Hồ Chí Minh được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là thành viên của Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu. Đây là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân thành phố, là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với nỗ lực xây dựng xã hội học tập của thành phố.
Để thực hiện hiệu quả kế hoạch xây dựng “Thành phố học tập toàn cầu UNESCO trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030”, thời gian qua, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã chỉ đạo ngành giáo dục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, nhất là hội khuyến học các cấp đẩy mạnh phong trào, nâng cao chất lượng xây dựng các mô hình học tập gắn kết với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Tổ chức biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các gương điển hình tiên tiến, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, sáng tạo có giá trị trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng thành phố học tập; tham mưu khen thưởng các tập thể, cá nhân đạt thành tích trong phong trào thi đua “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”.
Theo bà Trần Thị Kim Thanh, Phó Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên-chuyên nghiệp và đại học, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, thời gian qua, công tác thông tin, truyền thông về việc thành phố trở thành thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu được đẩy mạnh qua các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng với đó, thành lập các ban chỉ đạo công tác xây dựng thành phố học tập cấp thành phố, cấp sở, ngành, quận, huyện và thành phố Thủ Đức.
Đến nay, có 16 trong tổng số 22 ủy ban nhân dân quận, huyện và thành phố Thủ Đức, 98 trường trung học phổ thông, tám trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên… thành lập ban chỉ đạo công tác xây dựng thành phố học tập, kế hoạch triển khai thực hiện xây dựng “Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO giai đoạn 2024-2030”.
Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cũng đã chỉ đạo tăng cường các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả các nội dung, mục tiêu xây dựng thành phố học tập toàn cầu. Trong đó, chú trọng đến việc lồng ghép các tiêu chí của thành phố học tập UNESCO với Bộ tiêu chí xây dựng “Trường học hạnh phúc”, tiêu chí đánh giá “Công dân học tập”, “Đơn vị học tập”, công tác khuyến học, khuyến tài, công tác xây dựng hoạt động thư viện và tổ chức Ngày sách Việt Nam…
Kết quả, tất cả quận, huyện và thành phố Thủ Đức xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, triển khai tiêu chí đánh giá và đang thực hiện báo cáo kết quả năm 2024 theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, thực hiện hiệu quả công tác huy động các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển cho ngành giáo dục. Qua đó, tạo điều kiện cho mọi người dân tham gia học tập, góp phần nâng cao dân trí, tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, việc triển khai thực hiện xây dựng thành phố học tập toàn cầu còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, việc xây dựng kho học liệu mở, thư viện dùng chung phục vụ việc tự học và học tập suốt đời của người dân cần nhiều thời gian và kinh phí thực hiện.
Nguồn kinh phí phục vụ đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ thư viện số, chuyển đổi số còn hạn chế. Hoạt động của một số trung tâm học tập cộng đồng chưa đáp ứng được yêu cầu học tập đa dạng của người dân và các yêu cầu phát triển bền vững của các cộng đồng, địa phương. Số lượng người tham gia học tập ít, nội dung hoạt động chưa phong phú, thiếu hấp dẫn, thậm chí có nơi còn tổ chức mang tính hình thức...
Để khắc phục những hạn chế trên, thời gian tới, ngành giáo dục thành phố tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về học tập suốt đời, xây dựng thành phố học tập trong nền kinh tế số, xã hội số.
Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng thành phố học tập; triển khai xây dựng hệ thống, phần mềm quản lý và báo cáo kết quả thực hiện các tiêu chí, chỉ số trong Bộ tiêu chí thành phố học tập của UNESCO. Xây dựng quy chế phối hợp giữa các đơn vị, sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội nghề nghiệp, các tổ chức kinh tế… trên địa bàn thành phố trong triển khai thực hiện xây dựng thành phố học tập.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Lê Hoài Nam cho biết: Với quy mô dân số lớn, thành phố đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong việc hoàn thành các mục tiêu xây dựng thành phố học tập toàn cầu, cho nên, mỗi quận, huyện và thành phố Thủ Đức cần xác định rõ vị trí, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng thành phố học tập, cũng như xây dựng kế hoạch thực hiện với những mục tiêu, giải pháp cụ thể.
Các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thành phố Thủ Đức chỉ đạo các đơn vị trường học tập trung công tác tuyên truyền, thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện với những tiêu chí, chỉ số rõ ràng. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu gặp khó khăn, các đơn vị trường học, các phòng giáo dục và đào tạo có thể đề xuất Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn.