Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo chuyển tiền trực tuyến

Tội phạm công nghệ cao lừa đảo trên không gian mạng liên tục thay đổi kịch bản để cài bẫy chiếm đoạt tài sản người dân. Do đó, người dân cần chú ý bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân, không truy cập vào các đường dẫn website không rõ nguồn gốc nhằm giảm thiểu rủi ro gian lận, lừa đảo trong giao dịch thanh toán trực tuyến.
Giải pháp sinh trắc học trong giao dịch tại Ngân hàng Nam A Bank giúp bảo mật thông tin khách hàng. (Nguồn Nam A Bank)
Giải pháp sinh trắc học trong giao dịch tại Ngân hàng Nam A Bank giúp bảo mật thông tin khách hàng. (Nguồn Nam A Bank)

Tại họp báo về tình hình kinh tế-xã hội định kỳ mới đây, đại diện Công an Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra một số phương thức, thủ đoạn mà tội phạm liên quan lĩnh vực tài chính-ngân hàng thường sử dụng, như: Lập các trang web, ứng dụng, trang mạng xã hội mạo danh tổ chức ngân hàng và các tổ chức tài chính, đơn vị trung gian thanh toán. Sau đó, đối tượng tiếp cận nạn nhân bằng nhiều hình thức (chạy quảng cáo, tán phát tin nhắn mạo danh ngân hàng hoặc mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thoại cho nạn nhân…) và thực hiện kịch bản lừa đảo.

Các đối tượng thay đổi liên tục các kịch bản để đối phó cơ quan chức năng. Chiêu thức lừa đảo thường thấy nhất là: Mời nâng cấp thẻ tín dụng; vay tiền trực tuyến với thủ tục dễ dàng, lãi suất thấp; thông báo tài khoản ngân hàng phát sinh giao dịch đáng ngờ; hướng dẫn cập nhật sinh trắc học, thông tin tài khoản… Tiếp đến, các đối tượng thao túng và yêu cầu nạn nhân làm theo yêu cầu cung cấp thông tin đăng nhập, mật khẩu và nhất là mã OTP xác thực.

Ðáng chú ý, đối tượng dẫn dụ nạn nhân cài đặt ứng dụng giả mạo trên điện thoại thông minh. Các ứng dụng này chứa mã độc có khả năng chiếm quyền điều khiển điện thoại để đánh cắp thông tin, sau đó thực hiện chuyển tiền trực tuyến để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

Tháng 7/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh (PC02) đã bắt giữ một đối tượng lừa đảo có sử dụng hình ảnh giả mạo hóa đơn chuyển tiền. Mở rộng điều tra, PC02 đã bắt giữ các đối tượng bán hình ảnh giả mạo hóa đơn chuyển tiền. Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố các đối tượng liên quan.

Với những nỗ lực ngăn chặn tội phạm lừa đảo chuyển tiền, giải pháp triển khai sinh trắc học trong các giao dịch ngân hàng hiện đang mang lại hiệu quả ban đầu. Theo Ngân hàng Nhà nước, sau hơn hai tháng triển khai Quyết định số 2345/QÐ-NHNN về việc triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, đến nay, đã có hơn 38 triệu lượt khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học thành công.

Qua theo dõi số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng, số lượng vụ việc lừa đảo mất tiền của khách hàng và số lượng tài khoản có phát sinh nhận tiền lừa đảo ở các đơn vị đã giảm đáng kể. Cụ thể, số lượng vụ việc khách hàng bị lừa đảo mất tiền trong tháng 8/2024 giảm khoảng 50% so với số vụ việc trung bình bảy tháng đầu năm 2024; số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo trong tháng 8/2024 giảm khoảng 72% so với trung bình bảy tháng đầu năm 2024. Ðáng chú ý tại một số đơn vị đã không phát sinh số lượng vụ việc trong thời gian tháng 8 và đầu tháng 9/2024.

Kết quả nêu trên cho thấy, việc triển khai quy định về xác thực sinh trắc học không ảnh hưởng đến hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, trải nghiệm khách hàng mà lại mang đến hiệu quả tích cực trong phòng chống lừa đảo, gian lận.

Ngoài ra, để bảo đảm quyền lợi khách hàng, các tổ chức tín dụng đang tích cực phối hợp các đơn vị của Bộ Công an triển khai các giải pháp công nghệ ứng dụng dữ liệu dân cư theo định hướng tại Ðề án 06, nhằm làm sạch dữ liệu khách hàng, loại bỏ các tài khoản ngân hàng không chính chủ. Các tổ chức tín dụng còn triển khai mở rộng hệ thống giám sát các tài khoản thanh toán, ví điện tử nghi ngờ gian lận, giả mạo (SIMO)…

Tuy nhiên, khi tội phạm công nghệ cao thường xuyên thay đổi các kịch bản lừa đảo khách hàng qua không gian mạng, việc phòng chống lừa đảo chuyển tiền trực tuyến vẫn gặp không ít thách thức.

Ðể ngăn ngừa lừa đảo, trong thời gian tới, các tổ chức tín dụng cần triển khai tích hợp các biện pháp bảo vệ tăng cường, như: Áp dụng các cơ chế giám sát, phòng chống giao dịch bất thường, giao dịch gian lận đối với kênh ngân hàng điện tử để có cảnh báo sớm và biện pháp ngăn chặn kịp thời với các giao dịch đáng ngờ. Song song đó, các tổ chức tín dụng cần đẩy mạnh truyền thông giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho khách hàng trong sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên môi trường mạng.

Ðể hạn chế rủi ro bị tội phạm lừa đảo, bên cạnh những nỗ lực triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, bảo mật như đã nêu trên từ phía ngân hàng, người dân cần nâng cao nhận thức về an toàn; bảo mật thông tin cá nhân; cẩn trọng khi thực hiện các giao dịch trên không gian mạng; nâng cao kỹ năng về nhận biết và phòng chống lừa đảo trực tuyến khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử.