Nghiên cứu cung cấp góc nhìn sâu sắc, khá toàn diện về thói quen sử dụng thời gian nhàn rỗi của sinh viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tại ký túc xá.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, thời gian có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với đời sống của sinh viên đại học. Cách sử dụng thời gian rảnh rỗi có ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập, sự hài lòng trong cuộc sống và sự phát triển cá nhân. Bên cạnh đó, thời gian rảnh rỗi đóng vai trò quan trọng, nhất là đối với sinh viên, giúp giảm căng thẳng, cải thiện sức khỏe tinh thần và nâng cao hiệu quả học tập.
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh hiện có quy mô khoảng 100 nghìn sinh viên. Để nghiên cứu đề án này, nhóm nghiên cứu dựa trên khảo sát được thực hiện tại Ký túc xá Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thông qua phần mềm của Trung tâm Quản lý ký túc xá cho tất cả sinh viên đang sinh sống và học tập tại đây. Nội dung nghiên cứu bao gồm: Thói quen, mục đích và thái độ đối với thời gian nhàn rỗi của sinh viên; Sự hài lòng của sinh viên đối với cuộc sống đại học; Các câu hỏi đánh giá hiệu quả học tập của sinh viên và ý kiến về các chính sách hỗ trợ sinh viên.
Khảo sát thu được hơn 21.655 câu trả lời từ sinh viên thuộc các trường đại học thành viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Dữ liệu thu được chủ yếu từ các sinh viên năm nhất (29,22%); năm hai (26,74%); năm ba (24,38%); năm tư (16,01%). Phần lớn sinh viên thuộc Trường đại học Bách khoa (29,67%); Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (21,14%); Trường đại học Khoa học tự nhiên (14,82%)... Các nhóm ngành chiếm đa số bao gồm: Nhóm ngành kỹ thuật (24,74%); Ngôn ngữ, Kinh tế-Quản trị (18,43%); Công nghệ thông tin (17,47%).
Đại diện nhóm nghiên cứu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Thảo, Trường đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Khảo sát cho thấy phần lớn sinh viên có thời gian nhàn rỗi từ 2 đến 4 giờ mỗi ngày (chiếm 66,71%); 22,95% số sinh viên có thời lượng thời gian nhàn rỗi từ 1 đến 2 giờ mỗi ngày; khoảng 10% số sinh viên có ít hơn 1 giờ nhàn rỗi/ngày.
Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, sinh viên chủ yếu dành thời gian rảnh rỗi để nghỉ ngơi, thư giãn và giải trí bằng các hoạt động như xem phim, nghe nhạc, sử dụng mạng xã hội. Đây là hoạt động được lựa chọn nhiều nhất, và cho thấy nhu cầu thư giãn và giảm stress sau những giờ học tập căng thẳng. Ngoài ra, sinh viên ở ký túc xá cũng quan tâm đến việc phát triển bản thân, tuy nhiên mức độ quan tâm này còn khá khiêm tốn so với các hoạt động khác.
Việc mở rộng mạng lưới xã hội không được các bạn sinh viên chú trọng nhiều. Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, hiện nay, sinh viên dành phần lớn thời gian rảnh rỗi cho các hoạt động giải trí đơn thuần hơn là các hoạt động có kế hoạch hoặc giúp phát triển bản thân. Các con số cho thấy sinh viên ít khi đặt mục tiêu rõ ràng, lập danh sách việc cần làm hoặc lên kế hoạch cụ thể cho thời gian rảnh rỗi của mình, cũng như còn hạn chế trong việc quản lý thời gian, tìm hiểu sở thích và sắp xếp các hoạt động một cách hợp lý cho từng hoạt động.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Thảo, nhìn chung, sinh viên hài lòng với cuộc sống đại học tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, chất lượng cơ sở vật chất, sự hỗ trợ của phòng, ban và giảng viên với mức độ tương đồng các trường đại học ở các nước phát triển.
Đa số sinh viên thể hiện thái độ tích cực đối với thời gian rảnh rỗi, tuy nhiên sinh viên cần cải thiện kỹ năng quản lý, lên kế hoạch cho khoảng thời gian này. Sinh viên cũng cần chủ động học tập, trải nghiệm, tích cực tham gia các hoạt động phong trào, rèn luyện sức khỏe, phát triển kỹ năng, từ đó khơi dậy được lý tưởng sống cho bản thân.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, sinh viên đang dành nhiều thời gian nhàn rỗi ưu tiên cho các hoạt động giải trí, mà chưa tập trung các hoạt động phát triển bản thân. Do đó, nhóm đề xuất sinh viên cần quan tâm đến việc cân bằng giữa nghỉ ngơi, giải trí và phát triển bản thân; chủ động tham khảo lịch học để xây dựng kế hoạch học tập, trau dồi kỹ năng theo giai đoạn ngắn hạn, dài hạn; tham gia các khóa đào tạo hoặc buổi báo cáo chuyên đề về quản lý thời gian nhàn rỗi, và các kỹ năng quan trọng khác như rèn luyện tư duy đổi mới, thúc đẩy bản thân...
Ngoài ra, sinh viên cần xây dựng lộ trình học tập, hoạt động ngoại khóa; tăng cường các hoạt động tập thể, đoàn hội, gia tăng tinh thần cộng tác, xây dựng lý tưởng học tập và kế hoạch tương lai cho bản thân. Cùng với đó, các trường đại học khuyến khích sinh viên xây dựng các nhóm học tập nhằm thúc đẩy trao đổi, gắn kết giữa các sinh viên. Các trường đại học cũng có thể lồng ghép, xây dựng các hoạt động kỹ năng trở thành một hoạt động ngoại khóa bắt buộc nhằm tăng cường hiệu quả tiếp cận đến sinh viên, chú trọng đến sức khỏe, tâm lý của sinh viên…