Trao “cần câu” cho người khuyết tật

Đến thời điểm hiện tại, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực người khuyết tật (gọi tắt là DRD) đã tạo ra nhiều dự án, khóa học thiết thực giúp người khuyết tật có thêm chuyên môn, kỹ năng, tự tin thể hiện bản thân và nâng cao thu nhập.
0:00 / 0:00
0:00

DRD vừa hợp tác với các đối tác thực hiện dự án “Nâng cao khả năng tiếp cận cho người khuyết tật tại các cửa hàng ăn uống” thông qua ứng dụng WheelVi. Theo đó, DRD cùng 20 người sử dụng xe lăn đã hoàn thành khảo sát và đánh giá 20 cửa hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần cải thiện ứng dụng WheelVi, mang đến trải nghiệm tốt hơn cho người dùng. WheelVi là hệ thống điều hướng thông minh dành riêng cho người sử dụng xe lăn, đã được triển khai tại Hàn Quốc.

Ứng dụng giúp người dùng tìm kiếm lối đi phù hợp, an toàn và thuận tiện nhất. Khi phối hợp cùng đối tác lớn có thế mạnh về công nghệ, DRD mong muốn tạo thêm nhiều cơ hội để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, tận hưởng các giá trị sống trên nền tảng bền vững, chủ động hơn.

Cách đây gần 10 năm, từ dự án trình bày trên giấy, DRD đã nghiên cứu và cho ra đời một ứng dụng có tính năng chọn lọc điểm đến thích hợp cho người khuyết tật vận động tại Việt Nam. Đó chính là D.Map-Disability Map - bản đồ hướng đến việc giúp người khuyết tật tìm kiếm các công trình công cộng mang tính tiếp cận. Người dùng có thể dễ dàng tương tác với D.Map bằng điện thoại thông minh hoặc máy vi tính.

Điều này đồng nghĩa với việc chỉ cần ngồi tại nhà và dành vài phút tham khảo thông tin trên ứng dụng, người khuyết tật đã có thể nắm rõ thông tin về khả năng tiếp cận tại các điểm mà họ muốn đến. D.Map cung cấp thông tin của gần 20.000 điểm đến thân thiện cho người khuyết tật rải đều khắp cả nước với phiên bản song ngữ Việt-Anh trên cả nền tảng IOS lẫn Android.

Việc biết công trình công cộng nào có bậc dốc cho người dùng xe lăn, nhà vệ sinh riêng cho người khuyết tật, cửa vào thuận tiện… sẽ giúp người khuyết tật vận động tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chủ động hơn trong sinh hoạt hằng ngày.

Mới đây, Trường cao đẳng công nghệ Thủ Đức đã phối hợp cùng DRD tổ chức chương trình “Trao đổi và tư vấn nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên khuyết tật”. Trong khuôn khổ chương trình, ông Nguyễn Văn Cử, Phó Giám đốc Trung tâm DRD không chỉ cung cấp cho 27 học sinh, sinh viên khuyết tật đang theo học tại trường những thông tin hữu ích về thị trường việc làm và cơ hội nghề nghiệp phù hợp với từng ngành nghề, dạng tật mà còn chia sẻ những câu chuyện truyền cảm hứng về gương khuyết tật vượt khó thành công.

Ông Cử cho biết: Đây không phải là cơ sở giáo dục nghề nghiệp đầu tiên hay duy nhất mà DRD kết nối. Vài năm trở lại đây, bên cạnh hệ thống doanh nghiệp, DRD tập trung mở rộng mạng lưới kết nối với các trường học nhằm thiết lập môi trường học tập sát với nhu cầu, nguyện vọng và khả năng của người khuyết tật. Không dừng lại ở việc đến tận nơi lắng nghe các khó khăn, bất cập, cung cấp giải pháp giúp nhà trường có cách hỗ trợ học sinh, sinh viên khuyết tật hiệu quả hơn, mới đây, DRD còn triển khai dự án hướng nghiệp cho nhóm đối tượng thụ hưởng này.

Dự án “Cải thiện việc làm hòa nhập cho người khuyết tật thông qua giáo dục nghề nghiệp” của DRD đến nay đã thu về kết quả bước đầu khá khả quan. Sản phẩm công nghệ của dự án là “Sổ tay nghề nghiệp, con đường học tập và các nguồn hỗ trợ dành cho người khuyết tật” sẽ cung cấp, liên tục cập nhật danh sách các ngành nghề theo nhiều dạng tật phổ biến tại Việt Nam.

“Đây được xem là kim chỉ nam, giúp người khuyết tật bổ sung kiến thức về ngành học, nghề nghiệp, hạn chế tối đa tình trạng tốt nghiệp xong thì thất nghiệp hoặc bỏ học giữa chừng do không theo kịp chương trình”, ông Cử phân tích thêm.

Khi các chương trình trao học bổng, hỗ trợ vốn, giới thiệu việc làm, tư vấn pháp luật, kết nối người khuyết tật với các dự án đồng hành đi vào ổn định, DRD tập trung đầu tư cho các dự án mang tính dài hạn, trong đó có việc đào tạo chuyên môn, kỹ năng và công nghệ nhằm giúp người khuyết tật thuận tiện hơn trong hành trình tìm kiếm việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Khởi đầu bằng các khóa đào tạo ngắn hạn dạy kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, trả lời phỏng vấn hay trình bày hồ sơ xin việc, về sau, các khóa học ngày càng đa dạng, chất lượng và kéo dài hơn. Vài năm trở lại đây, các khóa đào tạo liên quan đến công nghệ như vi tính văn phòng, thiết kế đồ họa, thiết kế web, trí tuệ nhân tạo… thu hút sự quan tâm của nhiều người khuyết tật. Sau khi tham gia ba khóa đào tạo về công nghệ miễn phí của DRD, mới đây, anh Nguyễn Văn Dương (35 tuổi, huyện Hóc Môn) đã tự tin khởi nghiệp bằng chính thế mạnh của bản thân.

Anh Dương thích công việc thiết kế và in ấn từ khi còn bé, nhưng vì bị khuyết tật vận động, kinh tế gia đình khó khăn lại chưa tốt nghiệp trung học phổ thông cho nên rất khó tham gia các chương trình đào tạo nghề bài bản. Khi biết được thông tin về các khóa đào tạo về thiết kế đồ họa, thiết kế web tại DRD, anh Dương đã nhờ giúp đỡ.

“Cả ba khóa học đều tổ chức trực tuyến cho nên rất thuận tiện cho người khuyết tật vận động như tôi. Hiện tại, với những gì được DRD hỗ trợ, trang bị, tôi mở một tiệm thiết kế và in ấn nhỏ ngay tại nhà và tìm nguồn khách trên mạng xã hội. Các kiến thức công nghệ học được sắp tới cũng sẽ được tôi tận dụng để phát triển các kênh tương tác xã hội nhằm truyền tải thông điệp sống tích cực đến những người cùng cảnh ngộ”, anh Dương vui vẻ cho biết.

Anh Dương đã có thu nhập từ các đơn hàng đầu tiên thông qua mạng xã hội. Anh cho biết, sẽ tiếp tục đăng ký tham gia các khóa học mới tại DRD để nâng cao tay nghề, hướng dẫn lại những người khuyết tật cùng đam mê.

Hoàn toàn miễn phí, không ràng buộc thời gian, độ tuổi, nhưng các khóa học tại DRD luôn yêu cầu người học phải thật sự nghiêm túc đầu tư công sức, thời gian cho việc tiếp nhận kiến thức, thực hành để thật sự tiến bộ. Có chuyên môn, giàu kỹ năng, người khuyết tật không chỉ tìm được công việc phù hợp mà còn giúp ích cho cộng đồng thông qua nhiều dự án, chương trình ý nghĩa.