Chung tay hướng về biên giới, biển đảo Tổ quốc

Với nhận thức biên giới, biển đảo Tổ quốc là một phần lãnh thổ thiêng liêng của đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều chương trình chăm lo cả về tinh thần, vật chất để kịp thời động viên cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nơi biên cương, hải đảo.
0:00 / 0:00
0:00
Chương trình giao lưu nghệ thuật “Hướng về biên giới, biển, đảo Tổ quốc” nhằm gây quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”.
Chương trình giao lưu nghệ thuật “Hướng về biên giới, biển, đảo Tổ quốc” nhằm gây quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”.

Chia sẻ khó khăn nơi tuyến đầu

Từ năm 2001, sau khi tham gia cùng Tổng Cục hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam ra thăm Trường Sa, nhận thấy đời sống của cán bộ, chiến sĩ còn nhiều khó khăn, phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, thách thức, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất Thường trực Thành ủy triển khai vận động ủng hộ vật chất để chăm lo cho cán bộ, chiến sĩ Trường Sa.

Xác định công tác chăm lo cần được thực hiện lâu dài, thường xuyên, qua đó khơi dậy lòng yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, năm 2009, Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu-Vì tuyến đầu Tổ quốc” được thành lập. Đến năm 2014, Quỹ đổi tên thành “Vì biển đảo quê hương-Vì tuyến đầu Tổ quốc” để một lần nữa khẳng định Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, Quỹ đã tạo được sự đồng thuận trong xã hội và có một vị thế nhất định, để lại dấu ấn trong hành trình thể hiện nét đẹp nghĩa tình. Có thể nói đây là nét riêng trong văn hóa ứng xử, trong tư duy hành động của nhân dân thành phố mang tên Bác.

Hiện nay, chỉ Thành phố Hồ Chí Minh có Quỹ “Vì biển đảo quê hương-Vì tuyến đầu Tổ quốc” nhằm mục đích hỗ trợ, chăm lo cho các hoạt động quốc phòng, an ninh; chăm lo cho cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, kiểm ngư và nhân dân đang sinh sống làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, biển đảo của Tổ quốc và thực hiện chính sách hậu phương quân đội và công an nhân dân.

Với mong muốn có thêm nhiều nguồn lực cũng như có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực chăm lo cán bộ, chiến sĩ, hằng năm, Hội đồng quản lý quỹ đã chủ động vận động ủng hộ quỹ với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với tình hình địa phương, đặc biệt là thông qua chương trình giao lưu nghệ thuật “Hướng về biên giới, biển, đảo Tổ quốc”; vận động “Doanh nghiệp đồng hành hỗ trợ trực tiếp các công trình tại huyện đảo Trường Sa và các đảo thuộc vùng biển Tây Nam”,…

Dấu ấn trên những vùng biên cương, hải đảo

Trong suốt 15 năm hoạt động, Quỹ “Vì biển đảo quê hương-Vì tuyến đầu Tổ quốc” đã để lại nhiều công trình, nhiều dấu ấn đậm nét trên các vùng biển đảo xa xôi nhất của Tổ quốc. Hoạt động của quỹ cũng đã tạo ra những chuyến tàu ý nghĩa, khi mỗi năm, các thành phần, người dân ở hậu phương lại có dịp đến thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa. Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:

Từ nguồn ủng hộ này, quỹ bắt đầu thực hiện các hoạt động chăm lo, thăm hỏi, động viên, góp phần thay đổi, phát triển cuộc sống ở các vùng biên giới, biển đảo. Mỗi chuyến đi đã chở theo những tâm tư tình cảm của người dân hậu phương, những lời động viên, chia sẻ với các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi biển đảo, kèm theo đó là trang thiết bị, máy móc, vật dụng sinh hoạt, các nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ sinh hoạt cho quân, dân trên các đảo.

Chia sẻ về những tình cảm của chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đối với cán bộ, chiến sĩ bộ đội hải quân, Trung tá Nguyễn Văn Thuân, Chính trị viên, Tàu ngầm 183-Thành phố Hồ Chí Minh, Quân chủng Hải quân cho biết:

Đơn vị vừa kỷ niệm 10 năm thành lập và rất vinh dự tàu được mang tên Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời cho rằng, những thành tích trong 10 năm qua của đơn vị có sự đóng góp rất lớn của quân và dân thành phố thông qua Quỹ “Vì biển đảo quê hương-Vì tuyến đầu Tổ quốc”. Đó là nguồn động viên rất lớn để cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Qua 15 năm, Quỹ “Vì biển đảo quê hương-Vì tuyến đầu Tổ quốc” thành phố đã tiếp nhận hơn 545 tỷ đồng và đã chi chăm lo với số tiền 430 tỷ đồng. Từ nguồn ủng hộ, quỹ đã thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giáo dục cho thế hệ trẻ lòng yêu nước, tinh thần dân tộc. Thành phố đã tổ chức 15 đoàn đại biểu đi thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại huyện đảo Trường Sa, các đảo thuộc vùng biển Tây Nam và Nhà giàn DK1...

Đồng hành cùng các chuyến đi là những công trình có ý nghĩa mà quỹ đã dành tặng các vùng biên giới, biển đảo của Tổ quốc như: Nhà văn hóa đa năng, trường học, bệnh xá, các trang thiết bị vật tư y tế, nhà sinh hoạt câu lạc bộ thủy thủ, công trình máy lọc nước đóng chai tự động, bể chứa nước ngọt, vườn rau mái che, khu tăng gia nuôi tập trung, công trình “Nước ngọt vùng biên”, “Mái ấm cho chiến sĩ, người nghèo nơi biên giới”. Đồng thời, thực hiện các hoạt động chăm lo hướng về vùng biên như khám bệnh, phát thuốc miễn phí và tặng quà, tặng công trình “Thắp sáng vùng biên”, tặng “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”,...

Lãnh đạo thành phố nhấn mạnh, công tác chăm lo và hỗ trợ các lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo của Tổ quốc thể hiện tình cảm, trách nhiệm của nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đối với các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư, bộ đội biên phòng và ngư dân trực tiếp giữ đất, bám biển bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo của Tổ quốc.

Các hoạt động chăm lo cũng được các tổ chức chính trị-xã hội thực hiện thông qua những mô hình, cách làm hay như Liên đoàn Lao động thành phố với chương trình “Tấm lưới nghĩa tình” và “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển”; Hội Nông dân thành phố với chương trình “Kết nối biên cương”, tổ chức sinh hoạt chuyên đề về “Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”; Thành đoàn với chương trình “Tuổi trẻ thành phố vì biên giới, biển đảo”,… như một cách kết nối tình quân dân đất liền và biên giới, biển đảo ngày một gần và bền chặt hơn.