Sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh cho học sinh dân tộc thiểu số tại tỉnh Hà Giang

Với dân số 935.700 người, gồm 19 dân tộc, trong đó trên 87% là đồng bào dân tộc thiểu số, việc triển khai hoạt động dự phòng, phòng bệnh thalassemia tại tỉnh Hà Giang rất quan trọng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Em Dương Quỳnh Như Ngọc (dân tộc Pà Thẻn) lấy máu xét nghiệm sàng lọc.
Em Dương Quỳnh Như Ngọc (dân tộc Pà Thẻn) lấy máu xét nghiệm sàng lọc.

Tan máu bẩm sinh là bệnh lý di truyền phổ biến nhất trên thế giới, ước tính 7% dân số toàn cầu mang gene và bị ảnh hưởng bởi bệnh lý này. Bệnh đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng dân số và giống nòi, gây ra nhiều gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Đức Bình, Phó Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết, năm 2017, Viện đã thực hiện nghiên cứu dịch tễ gene bệnh thalassemia trên toàn quốc. Kết quả cho thấy người mang gen bệnh có mặt ở tất cả các dân tộc, ở tất cả các tỉnh/thành phố, ước tính trên 14 triệu người mang gene bệnh. Tỷ lệ mang gene bệnh của dân tộc Mông là 6,72%; dân tộc Tày là 26,11%; dân tộc Dao 25,46%…

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thalassemia, mỗi năm nước ta có trên 8.000 trẻ sinh ra bị bệnh, trong đó khoảng trên 2.000 trẻ bị bệnh nặng và khoảng trên 800 trường hợp phù thai. Nguy cơ sinh con bị bệnh mức độ nặng cao hơn ở các tỉnh miền núi phía Bắc như: Hòa Bình, Sơn La, Bắc Kạn, Tuyên Quang và ở các dân tộc thiểu số như: Mường, Thái, Tày, Nùng, Dao…

Sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh cho học sinh dân tộc thiểu số tại tỉnh Hà Giang ảnh 1
Giáo viên và học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT tỉnh Hà Giang chăm chú lắng nghe kiến thức về bệnh tan máu bẩm sinh.

Do đó, từ ngày 7/11 đến 10/11, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã phối hợp với Sở Y tế, Sở Giáo dục-Đào tạo và các trường Phổ thông Dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Hà Giang thực hiện lấy máu xét nghiệm sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh cho 1.300 học sinh.

Các hoạt động phòng bệnh được triển khai gồm có: tập huấn về chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh tan máu bẩm sinh cho cán bộ, nhân viên y tế; truyền thông, phổ biến kiến thức về bệnh tan máu bẩm sinh cán bộ, giáo viên ngành giáo dục; lấy máu xét nghiệm sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh cho gần 1.400 người là cán bộ y tế, cán bộ ngành giáo dục tham gia tập huấn và học sinh tại các Trường Phổ thông Dân tộc nội trú.

Đây là nội dung nằm trong Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021.

Trong giai đoạn 1 (2021- 2025), hoạt động phòng, chống bệnh thalassemia được thực hiện tại 5 tỉnh: Hà Giang, Yên Bái, Bắc Giang, Thanh Hóa và Nghệ An với các mục tiêu: Giảm số ca phù thai do bệnh thalassemia, giảm số trẻ sinh ra bị bệnh, từng bước nâng cao chất lượng điều trị tại các cơ sở y tế cho bệnh nhân người dân tộc thiểu số, từng bước kéo dài tuổi thọ cho những bệnh nhân hiện tại.

Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thị Mỹ, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Giang cho hay, với dân số 935.700 người, gồm 19 dân tộc, trong đó trên 87% là đồng bào dân tộc thiểu số, việc triển khai hoạt động dự phòng, phòng bệnh thalassemia tại tỉnh Hà Giang rất quan trọng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.

"Chương trình sẽ góp phần nâng cao chất lượng và tầm vóc của người dân tộc thiểu số, giảm chi phí về gánh nặng y tế cho khám chữa bệnh. Bước đầu chương trình đã nhận được sự vào cuộc của các đơn vị y tế, các cấp, các ngành để cùng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương triển khai từ năm 2022 đến nay. Tuy nhiên, do đặc thù địa bàn tỉnh địa hình chia cắt, giao thông phức tạp, nên triển khai ở thôn bản còn những khó khăn nhất định”, bác sĩ Mỹ cho hay.

Sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh cho học sinh dân tộc thiểu số tại tỉnh Hà Giang ảnh 2
Em Vừ Thị Hồng Hoa (dân tộc Mông) được lấy máu xét nghiệm sàng lọc tan máu bẩm sinh.

Cô giáo Phạm Thị Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Hà Giang cho biết nhà trường đã nhận được chỉ đạo từ Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh từ tháng 7/2023 về việc phối hợp tuyên truyền và xét nghiệm cho học sinh.

“Hiện nhà trường có 527 học sinh thuộc đủ tất cả 19 dân tộc trên địa bàn tỉnh. Được bác sĩ có kiến thức, có phương pháp truyền đạt rất tốt những thông tin cơ bản về bệnh tan máu bẩm sinh nên các em học sinh đều hào hứng lắng nghe và tiếp thu. Đây là cơ hội rất ý nghĩa với học sinh vì các em sắp đến tuổi trưởng thành, có thêm hiểu biết trước kết hôn để phòng tránh, để về tuyên truyền cho gia đình, cho thôn bản. Các thầy cô cũng sẽ có thêm kiến thức để tuyên truyền cho học sinh và phòng bệnh trong cộng đồng”, cô Hà chia sẻ.

Hầu hết các em lần đầu được lấy máu xét nghiệm nên đều có chút lo lắng, nhưng được các thầy cô giáo và nhân viên y tế động viên, giải thích, các em đều háo hức và sẵn sàng tham gia xét nghiệm.

Chỉ trong 4 ngày, các hoạt động tập huấn, đào tạo về chẩn đoán điều trị, phòng bệnh tan máu bẩm sinh đã được diễn ra tại Sở Y tế tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện: Bắc Quang, Yên Minh, Bắc Mê; tập huấn, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý và giáo viên diễn ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh.

Đoàn công tác cũng đã tiến hành truyền thông, tư vấn kiến thức về bệnh tan máu bẩm sinh cho giáo viên và học sinh các trường: Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Hà Giang, Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT: Bắc Quang, Yên Minh, Bắc Mê.