V.A.T khi mới sinh ra vốn là một cậu bé kháu khỉnh, khỏe mạnh, thậm chí có phần mập mạp hơn các bạn cùng trang lứa. Nhưng khi được hơn 2 tuổi, con bắt đầu có những triệu chứng mệt mỏi, quấy khóc và sốt liên miên.
Tin sét đánh đến với cả gia đình khi biết Tuấn đã mang trong mình căn bệnh tan máu bẩm sinh, một căn bệnh di truyền sẽ đeo đẳng con suốt cuộc đời. Gia đình anh lại càng hoang mang, lo sợ hơn khi không biết em của T. có bị bệnh giống anh không.
Trong lúc tuyệt vọng, gia đình anh V.H.T lại lóe lên niềm hy vọng khi biết Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương có thể điều trị bệnh tan máu bẩm sinh bằng phương pháp ghép tế bào gốc.
Tuy nhiên, trước đây các ca đã thành công đều được ghép từ nguồn tế bào gốc của anh chị em ruột phù hợp hoàn toàn HLA trong khi em của con lại còn quá nhỏ nên chưa thể hiến tế bào gốc cho anh của mình.
Các y, bác sĩ của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương nhiều năm qu vẫn không ngừng nghiên cứu và đã có kế hoạch triển khai ghép tế bào gốc nửa hòa hợp bên cạnh ghép phù hợp hoàn toàn HLA để tìm thêm cơ hội hồi sinh cho những em bé bị căn bệnh di truyền này.
Cùng với sự quyết tâm của gia đình người bệnh, TS, BS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương quyết định sẽ tiến hành ca ghép tế bào gốc nửa hòa hợp đầu tiên tại Viện, cũng là tại Việt Nam cho một bệnh nhân tan máu bẩm sinh.
TS, BS Bạch Quốc Khánh chia sẻ, ghép từ nguồn tế bào gốc phù hợp hoàn toàn HLA cho bệnh nhân tan máu bẩm sinh vốn đã khó, nhưng ghép nửa hòa hợp còn phức tạp hơn rất nhiều do thời gian mọc mảnh ghép kéo dài, nguy cơ thải ghép cũng như ghép chống chủ cao… Hơn nữa, đây lại là ca ghép đầu tiên nên áp lực lại càng lớn.
"Dù xác định có rất nhiều khó khăn nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện vì nhiều năm qua cá nhân tôi cũng như tập thể viện luôn trăn trở làm thế nào để những em bé tan máu bẩm sinh không phải gắn cuộc đời với bệnh viện”, bác sĩ Khánh bày tỏ.
Dẫu biết rằng trước đây chưa có ca ghép nào tương tự được thực hiện, gia đình anh vẫn không lùi bước: “Mang bệnh này là số phận của con nên chỉ cần có một cơ hội để thay đổi số phận ấy thì đối với gia đình tôi không còn gì quý giá hơn!”.
Tháng 8/2019, con bắt đầu được truyền hóa chất liều cao và được truyền tế bào gốc của mẹ. Gần 2 tháng ghép tế bào gốc của con là quãng thời gian có thể nói là dài nhất đối với vợ chồng anh.
Sau khi ghép, T. còn gặp phải biến chứng ghép chống chủ. Các tế bào của mảnh ghép phát triển quá mạnh, tấn công gan của cậu bé, nhưng các bác sĩ đã điều trị kịp thời giúp con vượt qua biến chứng này.
Cho tới nay đã hơn 15 tháng kể từ khi V.A.T được ghép tế bào gốc, con khỏe mạnh hơn, không còn phải truyền máu định kỳ nữa và đã bước vào lớp 1. Phương pháp ghép tế bào gốc đã mở ra cho con một tương lai mới cho em.