Sản xuất, sử dụng cát nhân tạo ở Thái Nguyên

NDO - Trong bối cảnh cát tự nhiên trở nên khan hiếm, nhiều đơn vị khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đầu tư trang thiết bị, dây chuyền nghiền sỏi, cuội sông, suối thành cát nhân tạo với chất lượng tương đương. Việc sản xuất cát nhân tạo mang lại nhiều lợi ích thiết thực, tận dụng tài nguyên, khắc phục tình trạng thiếu cát tự nhiên hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Dây chuyền sản xuất cát nhân tạo của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lãng Hoa.
Dây chuyền sản xuất cát nhân tạo của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lãng Hoa.

Từ nhiều năm nay, Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản và Khoáng sản Đại Việt được giao nạo vét hồ Núi Cốc, hỗn hợp nạo vét gồm bùn, cát, sỏi cuội được đưa lên tàu chở về bãi tập kết. Tại bãi tập kết, bùn, cát, sỏi, cuội được phân loại: Bùn được phơi khô cung cấp cho các nhà máy sản xuất gạch, chuyển giao cho người dân trồng cây; sỏi và cuội được đưa vào 2 dây chuyền nghiền thành cát nhân tạo rồi trộn với cát tự nhiên làm vật liệu xây dựng.

Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản và Khoáng sản Đại Việt Trần Văn Lê, chia sẻ: Trong quá trình nạo vét hồ Núi Cốc để tăng dung tích hồ chứa, trước đây chúng tôi phải bố trí mặt bằng rộng hàng nghìn m2 để chứa sỏi, cuội, nhưng với hai dây chuyền nghiền cát nhân tạo để trộn với cát tự nhiên, mỗi năm chúng tôi sản xuất hàng vạn m3 cát làm vật liệu xây dựng cung cấp cho thị trường. Qua đó tận dụng được sỏi, cuội để sản xuất cát, giải quyết việc làm, tăng doanh thu, góp phần tăng thu ngân sách.

Ở xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ hiện có hai đơn vị khai thác và sản xuất cát nhân tạo là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lãng Hoa và Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hiếu Trường. Theo đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lãng Hoa Nguyễn Anh Hà, mỗi năm công ty sản xuất từ 10-12 nghìn m3 cát, trong đó tỷ lệ cát nhân tạo phối trộn chiếm khoảng 30% trong mỗi khối cát, giá bán tương đương với cát tự nhiên.

Hằng năm, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hiếu Trường sản xuất 24 nghìn m3, trong đó cát tự nhiên chiếm 30% trong mỗi m3 cát, sản xuất đến đâu bán hết đến đấy, không có tồn kho. Lãnh đạo Công ty cho biết, khi chưa đầu tư dây chuyền nghiền cát tự nhiên, lượng sỏi, cuội trong quá trình khai thác cát phân loại ra là rất lớn, từ năm 2019 đầu tư dây chuyền nghiền cát tự nhiên đã tận dụng được toàn bộ sỏi, cuội để sản xuất cát nhân tạo, tránh lãng phí tài nguyên.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và Thương mại Hữu Huệ là một trong những doanh nghiệp sản xuất bê-tông xây dựng lớn nhất tỉnh Thái Nguyên, cung cấp bê-tông cho nhiều công trình nhà cao tầng, cầu lớn trên địa bàn tỉnh. Giám đốc Công ty Đào Hữu Huệ, chia sẻ: Cát nhân tạo có nhiều ưu điểm, đó là sạch, không bị lẫn tạp chất như bùn, đất, kích cỡ hạt đồng đều, độ cứng cao, bám dính tốt nên rất phù hợp với sản xuất bê-tông, vữa xây và trát tường.

Sản xuất, sử dụng cát nhân tạo ở Thái Nguyên ảnh 1

Nhiều công trình xây dựng dân dụng ở Thái Nguyên sử dụng cát nhân tạo làm vữa xây, trát tường.

Nhiều công trình xây dựng lớn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sử dụng cát nhân tạo và đang là vật liệu xây dựng phổ biến đối với nhiều công trình xây dựng của nhà dân, công trình đầu tư công.

Giám đốc Sở Xây dựng Thái Nguyên Hoàng Đức Khánh, cho biết: Cát nghiền từ cuội, sỏi sông, suối hay còn gọi là cát nhân tạo, qua thí nghiệm về cường độ, các chỉ số và lấy mẫu phân tích bê-tông có thành phần cát nghiền cho thấy các tiêu chuẩn về cơ lý đều đạt và vượt các yêu cầu đề ra. Tiến tới sẽ nghiền từ cốt liệu lớn (đá khai thác từ mỏ đá) thành cốt liệu nhỏ (cát nhân tạo) để khắc phục tình trạng cát tự nhiên ngày càng khan hiếm.

Cát nghiền từ sỏi, cuội sông, suối đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu thụ mạnh trên thị trường, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn, đồng thời tận dụng cuội, sỏi nghiền thành cát, tránh lãng phí tài nguyên nên cần khuyến khích sản xuất, từng bước khắc phục tình trạng cát tự nhiên ngày càng khan hiếm, khai thác quá mức ảnh hưởng đến môi trường như hiện nay.