Cát xây dựng khan hiếm, giá tăng cao ở Bắc Cạn

NDO -

NDĐT - Nhu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nhà ở dân cư trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn là khá lớn, trong khi đó toàn tỉnh chỉ có hai đơn vị khai thác hai mỏ cát nhỏ. Lượng cát cung cấp tại chỗ chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nên trên địa bàn tỉnh rất thiếu cát xây dựng, dẫn đến giá cát tăng cao. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Cạn chậm khắc phục vấn đề bức xúc này.

Phần lớn cát xây dựng trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn được vận chuyển từ Thái Nguyên lên, Tuyên Quang sang.
Phần lớn cát xây dựng trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn được vận chuyển từ Thái Nguyên lên, Tuyên Quang sang.

Từ đầu năm 2016 trở về trước, trên địa bàn huyện Na Rì có ba mỏ cát, sỏi hoạt động, cung cấp cát, sỏi xây dựng cho cả huyện. Tuy nhiên, từ giữa năm 2016 đến nay, cả ba mỏ cát, sỏi này đều hết hạn khai thác, cát xây dựng trên địa bàn rất khan hiếm khiến giá tăng cao. Lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Na Rì cho biết: Do phải vận chuyển từ tỉnh Thái Nguyên lên, từ tỉnh Tuyên Quang sang nên giá cát tại huyện Na Rì hiện tại là 550 nghìn đồng/khối, tăng gần 200 nghìn đồng/khối so với một năm trước đây.

Do đó, giá thành xây dựng các công trình đầu tư của Nhà nước và dân cư trên địa bàn huyện Na Rì đều tăng. Giám đốc một doanh nghiệp xây dựng dân dụng trên địa bàn huyện Na Rì chia sẻ: Mặc dù giá tăng cao, nhưng nhiều lúc không có cát cung cấp cho xây dựng công trình.

Toàn tỉnh Bắc Cạn đang có ba mỏ cát, sỏi được cấp phép khai thác, nhưng một mỏ ở huyện Ba Bể từ khi được cấp phép đến nay không khai thác được mà cơ quan chức năng, chính quyền địa phương không vào cuộc giải quyết. Hai mỏ đang khai thác ở huyện Chợ Mới và huyện Ba Bể là hai mỏ nhỏ, chỉ đủ cung cấp một phần rất nhỏ nhu cầu xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh.

Phần lớn cát xây dựng trên địa bàn tỉnh đều phải vận chuyển từ Thái Nguyên lên, Tuyên Quang sang. Vận chuyển không thường xuyên dẫn đến cát xây dựng trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn khan hiếm, khoảng cách vận chuyển dài hơn 100 km làm giá thành cát tăng cao, ở TP Bắc Cạn có giá từ 400 nghìn - 450 nghìn đồng/khối, trên huyện Pác Nặm là hơn 600 nghìn đồng/khối.

Tình trạng khan hiếm cát, giá tăng cao làm giá thành xây dựng trên địa bàn tăng theo, ảnh hưởng phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Đáng nói, tình trạng này không phải đến nay mới diễn ra, nhưng các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Cạn chưa có giải pháp khắc phục kịp thời.

Gần đây, lãnh đạo xã Dương Quang, TP Bắc Cạn và lãnh đạo xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể đề nghị tỉnh cho nhân dân địa phương lấy cát tại chỗ để xây dựng nhà ở. Cụ thể, hơn 80 hộ dân ở xã Dương Quang nhường đất đai, vườn bãi cho lòng hồ Nặm Cắt đề nghị được khai thác cát ở lòng hồ mang đến xây nhà tại khu tái định cư, bà con cho rằng không khai thác cát thì tới đây hồ Nặm Cắt tích nước, cát sỏi chìm sâu dưới lòng hồ.

Chủ tịch UBND xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể Lý Thị Hằng cho biết: Nhân dân trong xã Nam Mẫu đề nghị được lấy cát ngay trước cửa về xây nhà, công trình phụ trợ của mình, phải mua cát từ bên ngoài chở vào với giá cao thì rất khó khăn.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Cạn cho rằng, đề nghị này của nhân dân là chính đáng và yêu cầu cơ quan chức năng xem xét. Từ năm 2016, tỉnh Bắc Cạn cho phép các xã khai thác cát, sỏi tại chỗ để xây dựng các công trình xây dựng nông thôn mới. Đề nghị của nhân dân và chủ trương của tỉnh Bắc Cạn càng cho thấy, cát xây dựng trên địa bàn khan hiếm, giá tăng cao. Điều này dẫn đến tình trạng khai thác cát trái phép xảy ra trên địa bàn thời gian qua.

Cát, sỏi chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn còn rất lớn, nhưng chưa được khai thác phục vụ nhu cầu phát triển, hạ giá thành xây dựng. Nguyên nhân chủ yếu là do, các cơ quan chức năng, chính quyền các huyện, thành phố chưa thật sự chủ động đề xuất đưa mỏ cát, sỏi trên địa bàn vào quy hoạch thăm dò, khai thác sử dụng theo quy định. Nếu khắc phục được vấn đề này, việc quản lý khai thác được thực hiện đúng theo các quy định thì nguồn cát, sỏi tại chỗ sẽ đáp ứng nhu cầu xây dựng trên địa bàn, giá bán hợp lý, tạo ra việc làm và thu ngân sách cho địa phương.