Khan hiếm cát, công trình xây dựng lao đao

Không chỉ người dân mà nhiều công trình trọng điểm của Quảng Nam, Đà Nẵng đều bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu cát xây dựng. Các mỏ cát trữ lượng lớn - nguồn cung cho thị trường miền trung trong tình trạng đóng cửa một cách bất thường khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc.
0:00 / 0:00
0:00
Các mỏ cát ở khu vực huyện Đại Lộc.
Các mỏ cát ở khu vực huyện Đại Lộc.

“Khủng hoảng” thiếu

Những ngày cuối tháng 2, dọc theo tuyến quốc lộ 14B từ cầu Hà Nha (thuộc huyện Đại Lộc, Quảng Nam) về hướng Đà Nẵng đã thưa bóng những đoàn xe ben, xe tải chở cát chạy rầm rộ như thời gian trước đây. Nguyên nhân bởi hầu hết các mỏ cát ở khu vực thượng nguồn hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn không hoạt động. Chỉ một số ít mỏ nhỏ hoạt động cầm chừng.

Theo quan sát, trong số các mỏ cát lớn ở khu vực này như: Giao Thủy, Ngọc Kinh Đông (xã Đại Hồng), Pha Lê (xã Đại Sơn), Giảng Hòa (xã Đại Thắng)…, chỉ mới có mỏ Pha Lê đã hoạt động trở lại sau thời gian đóng cửa. Tuy nhiên, lượng xe cộ vận chuyển cát từ mỏ này xuất đi cũng khá ít.

Tương tự, các mỏ cát ở Điện Bàn, Duy Xuyên cũng trong tình cảnh “cửa đóng, then cài”. “Trước đây, dọc theo tuyến sông Thu Bồn từ cầu Giao Thủy kéo về đến tận Hội An luôn có nhiều tàu hút cát hoạt động bất kể ngày đêm. Họ tập kết ngay dưới chân cầu Hà Nha, Giao Thủy, Vĩnh Điện, Câu Lâu… Nhưng thời gian gần đây, những tàu này không thấy ra “ăn cát” nữa mà nằm bờ”, ông Lê Phước Nam (xã Đại An, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) cho biết.

Khi các mỏ cát lớn cung cấp chính cho thị trường các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam đóng cửa, giá của loại vật liệu này cũng “nhảy múa” từng ngày. Ông Trần Văn Quang, chủ thầu xây dựng ở quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) cho biết, đang thi công một khách sạn mini 8 tầng nhưng bị đình trệ suốt gần một tuần nay do thiếu cát.

“Trước Tết, giá cát xây dựng chỉ tầm 250.000-270.000 đồng/m3 nhưng đến nay đã nhảy vọt lên 350.000 - 400.000 đồng/m3. Do công trình đang trong giai đoạn nước rút để kịp bàn giao nên dù giá “cắt cổ” nhưng chúng tôi đành phải cắn răng chịu lỗ để mua cát”.

Tuy nhiên, theo ông Quang thì dù chấp nhận mức giá cao ngất ngưởng đó nhưng chưa chắc đã tìm ra nguồn cung. “Một số đại lý vật liệu xây dựng tìm nguồn cát tận Quảng Ngãi để bán cho chúng tôi. Nhưng giá bán cũng không rẻ hơn mà chi phí vận chuyển từ đó ra Đà Nẵng cũng đắt đỏ. Hiện tôi đã cho anh em công nhân nghỉ tạm mấy hôm để tìm nguồn vật liệu”, ông Quang cho hay.

Không chỉ các công trình dân sinh mà hiện nhiều dự án quan trọng ở Quảng Nam, Đà Nẵng cũng “đứng bánh” vì thiếu cát. Tại công trình đập thời vụ ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện (dự kiến xây dựng tại Điện Ngọc, cách trạm bơm Tứ Câu về hạ lưu khoảng 350m, thuộc thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) đang gặp khó khăn do thiếu nguồn cát xây dựng.

Bà Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho hay, hằng năm, hạ lưu sông Vĩnh Điện (thuộc thị xã Điện Bàn) thường bị mặn xâm nhập sâu (theo hướng từ sông Hàn Đà Nẵng vào). Do đó, từ năm 2013, địa phương này phải triển khai đắp đập thời vụ trên sông Vĩnh Điện để ngăn mặn, giữ ngọt. Phương án này nhằm bảo đảm nguồn nước tưới cho gần 2.000ha đất sản xuất nông nghiệp của các xã, phường vùng đông Điện Bàn, Hội An và TP Đà Nẵng.

Tuy nhiên, đến thời điểm mở thầu (ngày 16/2/2023) xây dựng công trình đập tạm nhưng vẫn chưa có doanh nghiệp nào tham gia gói thầu. Nguyên nhân là thiếu nguồn cát đắp cho đập. Bà Châu thông tin thêm, công trình đập ngăn mặn này cần khoảng 10.000m3 cát lấy từ mỏ vật liệu trên sông Thu Bồn vận chuyển bằng đường sông, đường bộ nhưng hiện nay các mỏ vật liệu trên địa bàn hết thời gian khai thác và đã đóng cửa. Các mỏ ở Đại Lộc, Duy Xuyên... tuy còn sản lượng khai thác nhưng không hoạt động.

Khan hiếm cát, công trình xây dựng lao đao ảnh 1

Giá cát xây dựng liên tục tăng cao khiến người dân, doanh nghiệp lao đao. Trong ảnh: một bãi tập kết cát ở Đà Nẵng.

Khẩn trương đưa các mỏ hoạt động

Việc một loạt mỏ cát đóng cửa bất thường khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn, liệu có phải các doanh nghiệp khai thác mỏ cát này đang “bắt tay” nhau để đẩy giá lên cao. Chia sẻ với chúng tôi, ông N.M (chủ một mỏ cát ở huyện Đại Lộc) cho biết: “Từ trước Tết, chúng tôi được yêu cầu phải rà soát, kiểm tra lại các thủ tục, quy trình khai thác mỏ. Do còn thiếu một số thủ tục về bến bãi, công trình phụ trợ nên công ty mới tạm thời cho dừng khai thác để tập trung điều chỉnh, bổ sung. Dự kiến trong tuần này sẽ thực hiện xong và hoạt động trở lại”. Ngày 27/2, trao đổi ý kiến với PV, một lãnh đạo UBND huyện Đại Lộc (Quảng Nam) cho biết, sau khi có thông tin về tình trạng khan hiếm nguồn cát, huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan đi tiến hành kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân. Qua đó, yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để mở cửa mỏ trở lại.

“Theo kế hoạch, huyện đã yêu cầu các doanh nghiệp (chủ mỏ) phải rà soát lại các thủ tục, quy trình như: trạm cân, bến bãi, điều kiện hoạt động… Một số mỏ đã xin tạm dừng hoạt động để điều chỉnh, bổ sung các điều kiện nói trên. Đến nay, qua kiểm tra thì các mỏ đã cơ bản hoàn tất quy trình và sẽ sớm mở cửa hoạt động trở lại. Qua đó, cung ứng nguồn nguyên liệu cho các công trình xây dựng trên địa bàn”, vị lãnh đạo này cho hay.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam cho hay, nhằm bảo đảm nguồn vật liệu cát, sỏi cung cấp cho các công trình và ổn định thị trường, Sở đã có công văn đề nghị UBND các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Núi Thành… đôn đốc các doanh nghiệp khai thác cát, sỏi có mỏ còn hiệu lực trên địa bàn đưa mỏ vào hoạt động khai thác. Trường hợp các mỏ không đưa vào hoạt động phải có lý do chính đáng và phải có văn bản gửi Sở để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Trước tình trạng khan hiếm nguồn cát xây dựng, gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình trọng điểm của Nhà nước cũng như doanh nghiệp và người dân, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất cho các huyện, thị, thành phố trên cơ sở nhu cầu vật liệu cần đáp ứng, tổ chức rà soát lại các điểm mỏ cát, sỏi có trong quy hoạch được duyệt.

Từ đó, lựa chọn các điểm mỏ có quy mô diện tích đủ lớn, bảo đảm không ảnh hưởng đến sạt lở bờ sông, công trình hạ tầng kỹ thuật, đất ở, đất sản xuất của nhân dân. Lựa chọn doanh nghiệp đủ năng lực thực hiện, báo cáo UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, cho phép tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản và lập thủ tục trình cấp giấy phép thăm dò, khai thác đúng quy định.

Với nhiều giải pháp được đưa ra, trong thời gian đến, các mỏ cát lớn ở Quảng Nam sẽ hoạt động trở lại, kịp thời đáp ứng nhu cầu về xây dựng của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn cũng như các địa phương lân cận.

Trước đó, ngày 22/11/2022, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Quyết định số 466 về thanh tra thực hiện pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng, việc cấp phép, khai thác các mỏ đất, đá làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.