Tranh thủ thời tiết thuận lợi, thời gian qua, Công ty cổ phần xây lắp Thành An 96 (Binh đoàn 11) huy động tổng lực phương tiện và nhân lực gấp rút đẩy nhanh tiến độ thi công công trình đường cơ động phía đông nam đảo Lý Sơn (giai đoạn 3) nhằm kịp bàn giao cho chủ đầu tư theo cam kết. Tuy nhiên, cả tháng qua, dù "chạy đôn, chạy đáo" tìm nguồn cát để mua nhưng nguồn cung trên thị trường rất hạn chế nên công ty chỉ mua được khoảng 40% nhu cầu.
Theo anh Nguyễn Ngọc Thành, cán bộ kỹ thuật công ty, gói thầu số 4 đang thi công khoảng 50% khối lượng công việc nhưng tiến độ thi công đang phải "hãm phanh" vì chờ cát. "Giá cát tăng cao gần gấp hai lần so năm 2022 nhưng rất khó mua, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng trong đất liền không muốn chở cát ra đảo để bán, dẫn đến nguy cơ vỡ tiến độ công trình", anh Thành lo lắng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đảo Lý Sơn Phạm Thị Hương cho hay, nếu như năm 2022, giá cát xây dựng ở Lý Sơn bán đến chân công trình dao động khoảng 350-400 nghìn đồng/m3, thì thời điểm này, đã tăng lên mức kỷ lục hơn 700 nghìn đồng/m3. Giá cát không chỉ tăng cao mà còn khan hiếm khiến nhiều công trình xây dựng trên đảo không dự trữ nguồn cát từ trước gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến việc thi công. Người dân xây dựng nhà cửa càng khó khăn hơn vì phát sinh thêm chi phí quá lớn.
Không riêng huyện đảo Lý Sơn, tình trạng "khủng hoảng" thiếu nguồn cát xây dựng đang diễn ra hầu khắp tỉnh Quảng Ngãi. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Hữu Hồng thống kê, qua báo cáo của các đơn vị, địa phương trong tỉnh, nhu cầu cát từ nay đến hết tháng 6/2023 khoảng hơn 1,2 triệu m3.
Trong đó, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi cần tới 633 nghìn m3, Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi cần hơn 200 nghìn m3. Tuy nhiên, trước tình hình cát xây dựng khan hiếm, khó tiếp cận và giá bán cao, tiến độ triển khai các dự án đã bị ảnh hưởng trực tiếp kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công chung toàn tỉnh theo đó cũng đình trệ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi chỉ còn ba mỏ cát đang khai thác giấy phép vẫn còn hiệu lực. Tại khu vực đồng bằng, nơi tập trung nhiều dự án lớn và công trình trọng điểm, lại chỉ có duy nhất mỏ cát tại xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức gần 9ha, công suất khai thác mỗi năm chưa đầy 60 nghìn m3.
Điều đáng nói, trong khi nguồn cung thiếu hụt trầm trọng thì việc phê duyệt và cấp phép các mỏ cát đã đấu giá trúng quyền khai thác diễn ra khá chậm chạp do phải thực hiện nhiều trình tự, thủ tục. Vì vậy, đến thời điểm này, 12 mỏ cát (tổng trữ lượng tài nguyên dự báo hơn 4 triệu m3) làm vật liệu xây dựng đã đấu giá thành công quyền khai thác khoáng sản, vẫn chưa có mỏ nào được cấp phép khai thác.
Trước thực trạng trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất giải pháp xử lý vấn đề khan hiếm cát làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh nhằm giải quyết nhu cầu cát xây dựng của các chủ đầu tư và hộ gia đình, cá nhân, kịp thời đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư.
Sở Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp các chủ đầu tư, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị liên quan khẩn trương tham chiếu quy định của pháp luật để hướng dẫn cụ thể việc sử dụng đá bụi xử lý nền móng công trình và các vấn đề liên quan khác nhằm kịp thời giải quyết tình trạng khan hiếm cát làm vật liệu xây dựng hiện nay.
Theo Quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Đức Trung, thực hiện ý kiến chỉ đạo của tỉnh, Sở đã đôn đốc các đơn vị trúng đấu giá khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục và đẩy nhanh thời gian thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét phê duyệt, cấp phép khai thác so với quy trình thẩm định, phê duyệt theo quy định nhằm sớm đưa các mỏ cát đã trúng đấu giá vào hoạt động khai thác. Theo đó, Sở đã xây dựng lộ trình dự kiến với mốc thời gian cụ thể trong việc thẩm định và cấp phép đối với từng mỏ cát đã đấu giá thành công.
Đến cuối tháng 5, sẽ có ít nhất năm mỏ cát được cấp giấy phép khai thác, trong đó có mỏ cát Tịnh An-Nghĩa Dũng nằm trên sông Trà Khúc thuộc địa bàn thành phố Quảng Ngãi có diện tích hơn 53ha, trữ lượng dự báo hơn 3,4 triệu m3 cát.
Đối với khối lượng cát làm vật liệu phục vụ thi công các khu tái định cư thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông, giai đoạn 2021-2025, đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, với nhu cầu gần 10 nghìn m3, do tiến độ gấp rút để đến cuối tháng 6/2023 hoàn thành bàn giao đất tái định cư cho người dân, Sở kiến nghị tỉnh xem xét, cho phép việc lập các hồ sơ, thủ tục, cấp phép chỉ định cho các nhà thầu thi công được áp dụng cơ chế đặc thù như: nhà thầu thi công không phải lập các thủ tục cấp phép mỏ theo quy định của Luật Khoáng sản mà chỉ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác.