Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cây giống, hoa kiểng
Nghề sản xuất, kinh doanh hoa kiểng là nghề truyền thống của bà con huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành (tỉnh Bến Tre).
Trong những năm gần đây, nghề này không ngừng phát triển về số hộ sản xuất và sản lượng. Hiện toàn tỉnh có 7.907 hộ sản xuất hoa kiểng. Trong đó, huyện Chợ Lách chiếm hơn 80% tổng số hộ. Hằng năm, cung ứng cho thị trường khoảng 15 đến 20 triệu sản phẩm hoa, kiểng các loại như: mai vàng, hoa giấy, kiểng thú, kiểng treo, kiểng lá, cây công trình…
Gia đình bà Nguyễn Thị Nga đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới tự động để sản xuất hoa kiểng |
Gần đây, người dân đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa, cây kiểng nhằm cung ứng ra thị trường sản phẩm chất lượng cao, hạ giá thành sản xuất.
Gia đình tôi sản xuất hoa treo 12 năm nay và gần chục năm ứng dụng công nghệ hiện đại như: nhà lưới, hệ thống tưới tự động. Hiện nay, nhiều hộ dân sản xuất hoa kiểng chung quanh cũng ứng dụng công nghệ này nhằm giảm chi phí nhân công, tránh sâu bệnh khi sản xuất trong nhà lưới, giảm ánh nắng mặt trời…
Bà Nguyễn Thị Nga
Gia đình bà Nguyễn Thị Nga, ngụ xã Vĩnh Thành (huyện Chợ Lách) có 1,8ha diện tích đất trồng kiểng treo các loại như: như son môi tím, son môi đỏ, hạt dưa, đôla, đồng tiền, yến thảo, kiểng màu, kiểng lá, đại phát tài, phát lộc hoa… hằng năm cho ra thị trường hàng nghìn chậu.
Hợp tác xã nông nghiệp Thắng Lợi (xã Long Thới, huyện Chợ Lách) là một trong những đơn vị điển hình của tỉnh trong việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cây giống, hoa kiểng.
Hợp tác xã nông nghiệp Thắng Lợi ứng dụng công nghệ sản xuất giá thể sạch bệnh để nhân giống. |
Thời gian gần đây hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giá thể sạch bệnh để sản xuất cây giống, hoa kiểng và túi tự hủy. Với 2 sản phẩm này, nông dân sản xuất cây giống, hoa kiểng không phải trồng ngoài đất rồi bứng vô chậu tốn nhiều chi phí, công lao động và rút ngắn thời gian sản xuất.
Mới đây, hợp tác xã đã ký hợp đồng mua 2.000 cây cúc mâm xôi sạch bệnh ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô từ Trung tâm giống và Hoa kiểng Bến Tre. Khi có cây giống sạch bệnh, chất lượng cao được trồng trên giá thể sạch bệnh chắc chắn sẽ nâng cao năng suất, giá trị trong dịp Tết sắp tới.
Dự kiến hợp tác xã sẽ cung ứng nguồn cây giống, giá thể này cho bà con sản xuất cây giống và bao tiêu toàn bộ sản phẩm để cung ứng ra thị trường trong dịp Tết sắp tới.
Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thắng Lợi Bùi Hồng Khánh
Thời gian gần đây, Trung tâm Giống và Hoa kiểng Bến Tre đã tập trung ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô để cho sản phẩm hoa kiểng giống chất lượng phục vụ bà con sản xuất. Hiện tại, trung tâm đang sản xuất các loại giống như: kiểng lá, phú quý, dạ yến thảo, hoa chuông, hoa hồng, các loại lan, cúc mâm xôi, chuối, cây dược liệu, cây giống…
Thực hiện đề án phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia của tỉnh Bến Tre, Trung tâm Giống và Hoa kiểng Bến Tre được giao nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển các giống cây, hoa kiểng ứng dụng công nghệ cao. Từ tháng 7/2022, Trung tâm đã tái khởi động lại phòng nuôi cấy mô, phòng thí nghiệm và xây dựng nhà lưới, nhà màng.
Sản xuất hoa giấy tại làng hoa Phú Sơn (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre). |
Hiện nay, một số sản phẩm nuôi cấy mô đã được các hộ dân, hợp tác xã trên địa bàn đặt hàng để sản xuất trong dịp Tết sắp tới. Đồng thời, Trung tâm còn đặt hàng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre thực hiện đề tài xử lý ra hoa mai vàng, hoa giấy để ứng dụng, nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Từ tháng 9/2022, Trung tâm Giống và Hoa kiểng Bến Tre tiếp nhận cơ sở 2 (Khu sinh học Cái Mơn cũ tại xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách) từ Sở Khoa học và Công nghệ đã đầu tư nâng cấp, cải tạo như: chỉnh trang khuôn viên, phòng làm việc, phòng thì nghiệm; xây dựng phòng kiểm nghiệm giống và giám định bệnh; xây dựng nhà màng, nhà lưới; đầu tư thêm trang thiết bị, dụng cụ cần thiết phục vụ cho công tác nghiên cứu…
Hiện tại Trung tâm tập trung nghiên cứu-ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh nhằm tăng năng suất, chất lượng nông sản. Đồng thời, chú trọng phát huy tốt vai trò của nhà khoa học trong việc nghiên cứu, hỗ trợ đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và triển khai đầy đủ, đồng bộ, kịp thời các chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ cho nông dân và doanh nghiệp
Bùi Trường Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Giống và Hoa kiểng Bến Tre
Phát triển cây giống và hoa kiểng mang tầm quốc gia
Tỉnh Bến Tre đang triển khai Đề án phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia, với tổng kinh phí đầu tư gần 85 tỷ đồng. Đề án do Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre phê duyệt và là một trong 11 công trình, dự án trọng điểm của tỉnh được đề ra trong nghị quyết nhiệm kỳ 2020-2025.
Tỉnh Bến Tre triển khai đề án phát triển cây giống, hoa kiểng mang tầm quốc gia |
Đề án sẽ tiến hành xây dựng vùng sản xuất chuyên canh tập trung đạt 300ha đến 500ha trên diện tích 1.500ha cây giống, hoa kiểng của huyện Chợ Lách gắn với phát triển chuỗi giá trị cây giống, hoa kiểng.
Mục tiêu của Đề án là phát triển sản xuất giống cây trồng, hoa kiểng theo hướng công nghiệp nhằm cung cấp cho việc sản xuất đủ giống có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường; góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cây giống tại Bến Tre |
Để phát huy tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ 11 nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra nhiệm vụ xây dựng Đề án “Phát triển Cây giống và Hoa kiểng Chợ Lách mang tầm Quốc gia” nhằm tạo một sức bật mạnh mẽ về định hướng đầu tư và sản xuất cho ngành giống cây trồng, hoa kiểng, nhanh chóng tạo ra các giống cây trồng, hoa kiểng mới có giá trị kinh tế cao.
Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre
Sản xuất hoa kiểng tại huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) hướng đến phát triển bền vững. |
Mục tiêu của đề án sẽ xây dựng Chợ Lách trở thành trung tâm sản xuất cây giống, hoa kiểng mang tầm quốc gia. Từ đó, góp phần hỗ trợ sản xuất, nâng cao thu nhập cho người sản xuất giống và cả người trồng, giúp phát triển làng nghề theo hướng bền vững.