Ứng dụng công nghệ cao phát triển nông nghiệp bền vững

Tỉnh Bình Dương đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tiêu biểu, góp phần phát triển thị trường trong và ngoài nước.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình trồng nấm ở phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên.
Mô hình trồng nấm ở phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên.

Thành công từ những cách làm hay

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, hiện nay, diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt của tỉnh đạt hơn 6.900ha với kỹ thuật gieo trồng trong nhà lưới, sử dụng công nghệ, chế phẩm sinh học vào chăm sóc, quản lý sâu bệnh, công nghệ tưới... Bên cạnh đó, có 580ha sản xuất trồng trọt áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ với các loại cây trồng như cam, mít, rau các loại. Ngoài ra, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao phát triển với 148 trang trại chăn nuôi gà, 255 trang trại heo và 45 trang trại vịt.

Trên địa bàn tỉnh cũng đã có bốn khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích gần 1.000ha, tại xã Tân Hiệp và Phước Sang (huyện Phú Giáo); phường Vĩnh Tân (thị xã Tân Uyên); xã An Thái (huyện Phú Giáo) và khu Tiến Hùng (huyện Bắc Tân Uyên).

Có thể nói, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái (huyện Phú Giáo), do Công ty CP nông nghiệp U&I (Unifarm) làm chủ đầu tư, là đơn vị đi đầu trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Bình Dương. Tổng Giám đốc Unifarm Phạm Quốc Liêm cho hay, với diện tích hơn 400ha, sản phẩm chủ lực của đơn vị là chuối và dưa lưới với quy trình trồng theo tiêu chuẩn châu Âu. Trong đó, khoảng 300ha trồng chuối, mỗi năm cho năng suất gần 50 tấn/ha. Sau khi thu hoạch, sản phẩm trải qua các công đoạn sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xuất khẩu bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Còn quy trình trồng dưa lưới ứng dụng theo công nghệ học tập từ Israel, hệ thống kiểm tra nhiệt độ, độ ẩm, hệ thống tưới tại các nhà màng được kết nối đến hệ thống điều khiển trung tâm. Mỗi năm, mô hình trồng dưa lưới cho doanh thu hơn 2 tỷ đồng/ha, sản phẩm đã xuất khẩu sang Singapore từ năm 2018. Ngoài ra, mô hình trồng chuối già hương xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản… cho doanh thu từ 500 triệu đồng/ha. Unifarm đã và đang tư vấn, chuyển giao công nghệ, liên kết bao tiêu cho những nông dân sản xuất trên quy mô nhỏ đến những công ty lớn với quy mô trang trại.

Hệ thống trại chăn nuôi heo công nghệ cao Vĩnh Tân tại thành phố Tân Uyên, do ông Võ Bá Cang làm chủ, nhiều năm qua được đánh giá là hệ thống trại heo tiêu biểu với việc ứng dụng công nghệ hiện đại và có quy trình kiểm soát chặt chẽ theo mô hình In - Out kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh và bảo đảm an toàn sinh học. Đến nay, hệ thống đã có năm trại nuôi heo công nghệ cao tại Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo ông Võ Bá Cang, đơn vị đang tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đưa tổng số đàn lên hơn 15.000 heo nái và hơn 100.000 nghìn thịt/hậu bị, hướng đến xây dựng trang trại heo giống gốc. Hệ thống đang cung cấp heo giống thương phẩm với trọng lượng xuất bán từ 25 đến 30kg cho bà con chăn nuôi ở Bình Dương và khu vực lân cận như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng như các tỉnh, thành phố khác. “Xác định con người là nhân tố quyết định cho tất cả sự thành công và thất bại, vì vậy bộ phận quản lý và đội ngũ cán bộ kỹ thuật ở hệ thống trại heo Vĩnh Tân thường xuyên được cập nhật kiến thức mới nhằm nâng cao tay nghề trong lĩnh vực chăn nuôi”, ông Cang chia sẻ.

Trong lĩnh vực nông nghiệp ở Bình Dương, chăn nuôi là ngành trọng tâm, đi đầu trong thúc đẩy hàm lượng công nghệ với 90% tổng đàn được chăn nuôi theo quy mô trang trại (trong đó khoảng 70% tổng đàn heo và gia cầm áp dụng phương thức nuôi trại kín, trại lạnh). Nhiều công ty, trang trại và hộ gia đình mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ, dây chuyền sản xuất tiên tiến đạt tiêu chuẩn châu Âu vào sản xuất như máng ăn, máng uống tự động, công nghệ sau thu hoạch, con giống năng suất cao, hệ thống chuồng lồng, chuồng sàn, hệ thống làm mát và sưởi ấm,… đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, trang trại tư nhân và các công ty đầu tư nổi bật là về chăn nuôi năng suất cao như trại Vĩnh Tân, Công ty 3F Việt, CP, Ba Huân, Emivest…

Nâng cao sức cạnh tranh

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh năm 2022 đạt gần 18.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,7% trong cơ cấu kinh tế với hai nguồn lực quan trọng là diện tích đất nông nghiệp chiếm 75,63% diện tích tự nhiên, lao động nông thôn chiếm 15,5% lực lượng lao động toàn tỉnh. Đến năm 2025, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đưa giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5 - 3%/năm; trong đó, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm hơn 30% cơ cấu ngành.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương Nguyễn Việt Long cho biết, thời gian tới, tỉnh cần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, từng bước xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ. Trước mắt, tập trung thu hút, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp có kinh nghiệm sản xuất lâu đời, các trang trại lớn, chuyên nghiệp, có quy mô lớn, có nguồn tiêu thụ ổn định chuyển đổi dần sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Qua đó, giúp hình thành những mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần thúc đẩy, tạo động lực, nâng cấp các mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống hiện có. “Bước đầu, Bình Dương đã thí điểm mô hình làng thông minh tại thành phố Tân Uyên để thống nhất được các khái niệm và cách tiếp cận, tạo tiền đề hướng đến xây dựng xã nông thôn mới thông minh trong thời gian tới”, ông Nguyễn Việt Long thông tin.

Về định hướng nền nông nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2030, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phạm Văn Bông cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch. Trong đó, tập trung phát triển nông nghiệp tại bốn huyện phía bắc của tỉnh là Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên. Trọng tâm là nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, hội nhập quốc tế, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững. Đặc biệt, tạo điều kiện để các doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò chủ lực trong phát triển sản xuất công nghệ cao, tạo ra những đột phá rõ nét trong ngành nông nghiệp.

Song song đó, Bình Dương có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp như chính sách về áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ, chính sách vay vốn, liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm... đã khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của các thị trường.

Để tìm giải pháp đầu ra cho sản phẩm, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Toàn thông tin, ngành công thương sẽ phối hợp với các cấp, ngành xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung; đẩy mạnh liên kết phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã; thiết lập, củng cố phát triển mối liên kết giữa các nhà sản xuất và cung ứng nông sản, trái cây với các kênh phân phối… Qua đó, mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng đề nghị, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh thực hiện chuyển đổi số toàn diện; phát triển thương mại điện tử, xây dựng nông thôn kiểu mẫu gắn liền với mô hình làng thông minh; nâng cao hàm lượng khoa học - công nghệ trong sản phẩm. Bên cạnh đó, thực hiện quyết liệt cơ cấu lại theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; mở rộng thị trường, đưa nền nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh phát triển bền vững.

Hiện tỉnh Bình Dương đang tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, từng bước xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ. Để thực hiện điều này, ngành nông nghiệp sẽ tập trung thu hút, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp có kinh nghiệm sản xuất lâu đời, các trang trại lớn, chuyên nghiệp, có quy mô lớn, có nguồn tiêu thụ ổn định chuyển đổi dần sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Qua đó giúp hình thành những mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần thúc đẩy, tạo động lực, nâng cấp các mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống hiện hữu.