Tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý

Tháng 10/2022, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia của Việt Nam, với hình ảnh chim hạc và dòng chữ Viet Nam GI (viết tắt từ Vietnam Geographical Indication - Chỉ dẫn địa lý Việt Nam), trên nền mầu vàng và viền đỏ. Việc ra đời biểu trưng khi Việt Nam đã có 108 chỉ dẫn địa lý trong nước, trong đó chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp, được kỳ vọng tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý, nhất là các sản phẩm xuất khẩu.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: Thanh long Bình Thuận được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. (Ảnh: Tuấn Anh)
Ảnh minh họa: Thanh long Bình Thuận được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. (Ảnh: Tuấn Anh)

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia Việt Nam sẽ giúp các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng định vị được sản phẩm mang tính đại diện cho Việt Nam, người tiêu dùng nhận diện được các sản phẩm có danh tiếng, tính chất, chất lượng đặc thù của Việt Nam, khiến họ yên tâm về xuất xứ, chất lượng sản phẩm; đồng thời là phương tiện hỗ trợ các nhà quản lý trong việc quản lý, giám sát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, dễ dàng phát hiện được các hành vi xâm phạm quyền đối với sở hữu trí tuệ.

Xu hướng trên thế giới cho thấy, nhiều nước đã xây dựng biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia để tăng cường khả năng nhận diện, quản lý và kiểm soát các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Châu Âu là khu vực có lịch sử phát triển lâu đời và thành công nhất đối với chỉ dẫn địa lý. Cộng đồng chung châu Âu sử dụng các biểu trưng nhằm nhận diện sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ.

Nhiều nước ở khu vực châu Á cũng đã xây dựng biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia nhằm mục tiêu xây dựng một hình ảnh chung, dấu hiệu nhận diện và tăng cường khả năng nhận biết, kiểm soát sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý trên thị trường, như: Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Campuchia,... Hầu hết các nước đều sử dụng song song lô-gô chỉ dẫn địa lý và biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia trên một sản phẩm.

Sau công bố biểu trưng, nhiều doanh nghiệp mong chờ hướng dẫn để biết những cá nhân, tổ chức nào được sử dụng biểu trưng, điều kiện để được sử dụng, đơn vị nào quản lý, xử lý các vi phạm trong sử dụng biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia,…

Tuy nhiên đến nay, việc sử dụng biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia Việt Nam chưa được triển khai sử dụng trên thực tế. Nguyên nhân do chưa có quy chế quy định việc quản lý, sử dụng biểu trưng làm cơ sở cho các hoạt động thực thi. Sau công bố biểu trưng, nhiều doanh nghiệp mong chờ hướng dẫn để biết những cá nhân, tổ chức nào được sử dụng biểu trưng, điều kiện để được sử dụng, đơn vị nào quản lý, xử lý các vi phạm trong sử dụng biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia,…

Một số chuyên gia về sở hữu trí tuệ cho rằng, cần giải quyết bất cập này, sớm có chính sách cụ thể quy định việc sử dụng biểu trưng để phát huy được vai trò của chỉ dẫn địa lý quốc gia Việt Nam; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận; xác định được tổ chức đủ năng lực chứng nhận sản phẩm được sử dụng biểu trưng; cấp quyền sử dụng biểu trưng cho các chủ thể…

Cùng với việc ban hành Quyết định số 2980/QĐ-BKHCN về việc phê duyệt biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao Cục Sở hữu trí tuệ nghiên cứu, đề xuất phương án đăng ký bảo hộ và quản lý biểu trưng quốc gia ở trong nước và nước ngoài.

Đồng thời, trong khuôn khổ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tại Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu triển khai nhiệm vụ đăng ký bảo hộ, triển khai các quy định về quản lý và sử dụng biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia.

Đến nay, chúng ta mới chỉ công bố biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia mà chưa có quy chế đi kèm để vận hành biểu trưng là chưa đồng bộ, dẫn đến chưa phát huy được vai trò của biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia. Do đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cần thúc đẩy việc xây dựng quy chế quản lý và sử dụng biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia.