Nhân rộng mô hình cây ăn quả có múi

Nhờ phát huy lợi thế về khí hậu, đất đai, những năm gần đây, người dân vùng đồi của huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đầu tư phát triển những vườn cây ăn quả có múi, mang lại giá trị kinh tế cao. Từ thành công đó, huyện Tuyên Hóa đã đẩy mạnh phát triển các mô hình cây ăn quả có múi thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, giúp gia tăng giá trị sản xuất.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Trương Quốc Việt trong vườn bưởi rộng hơn 10 ha ở xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình).
Anh Trương Quốc Việt trong vườn bưởi rộng hơn 10 ha ở xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình).

Nhiều năm trước, người dân huyện Tuyên Hóa trồng nhiều loại cây ăn quả nhưng không thành công do không phù hợp với chất đất, dẫn đến quả chua. Nói cách khác, quả gì ở Tuyên Hóa cũng có nhưng không có quả nào thành sản phẩm hàng hóa. Cho tới gần đây, trên các khu đất nằm ở vị trí giáp ranh với huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) - nơi có vùng bưởi Phúc Trạch ngon nổi tiếng, do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng cho nên một số hộ dân đã mạnh dạn đưa giống bưởi Phúc Trạch về trồng ở Tuyên Hóa, mang lại năng suất, chất lượng không kém ở Phúc Trạch.

Nói đến chuyện trồng bưởi, không ai ở Tuyên Hóa không biết đến ông Nguyễn Văn Minh, ở thôn Kim Lũ 1, xã Kim Hóa bởi ông được mệnh danh là “triệu phú bưởi” đầu tiên ở Tuyên Hóa. Trong ngôi nhà nhỏ lọt thỏm giữa vườn bưởi mà cây nào cũng trĩu quả và đang vào mùa thu hoạch, ông Minh đã chia sẻ cùng chúng tôi về câu chuyện trồng bưởi. Khu vườn rộng hơn 3 ha của ông được bao bọc bởi dãy núi đá vôi cao, khá khuất gió, đất đai màu mỡ nhưng trồng cây gì cũng ít hiệu quả, ngoài cây keo tràm.

Hơn 15 năm trước, ông quyết định cải tạo vườn để trồng cây ăn quả nhưng ban đầu cũng thất bại vì chưa chọn được loại cây phù hợp. Nghe nhiều người nói về giống bưởi Phúc Trạch ở Hà Tĩnh, ông đã tới tận nơi để tìm hiểu rồi mua ít cây giống về trồng. Ban đầu cây có vẻ èo uột nhưng dần dần, bưởi bắt đầu bén rễ, vươn lên xanh tốt. Chưa kịp ra hoa thì đã gặp ngay sâu đục thân, cây bưởi chết dần. Không nản, ông lại ra vùng bưởi Phúc Trạch mua thêm giống và thuê người có kinh nghiệm trồng bưởi ở đó về hướng dẫn cách chăm sóc, diệt trừ sâu đục thân. Ðến khi cây sinh trưởng tốt thì lại không có quả.

Hơn một lần, ông Minh đã nghĩ đến việc chặt bỏ vườn bưởi đã dày công vun trồng. Lại những chuyến ngược ra Hà Tĩnh, ông mới hiểu, thất bại trước đó là do chưa biết cách chăm sóc và kỹ thuật thụ phấn cho hoa bưởi. Tiếp đó, ông mời các kỹ sư nông nghiệp chuyên về cây bưởi đến nhà hướng dẫn kỹ thuật trồng loại cây này. Bây giờ, đứng dưới vườn bưởi lúc lỉu quả, ông Nguyễn Văn Minh cho rằng, trồng bưởi thì phải hiểu được đặc tính của cây, từ đó có cách chăm sóc phù hợp mới mang lại hiệu quả. Năm 2016 là khoảng thời gian đầu tiên mà gia đình ông Minh “hái ra tiền” từ bưởi với hơn 400 triệu đồng. Giờ đây, mỗi năm, vườn bưởi gần 700 gốc của ông mang đến nguồn thu từ 500-700 triệu đồng, sau khi trừ chi phí. Ðây là khoản thu nhập đáng mơ ước của bất kỳ người nông dân nào ở huyện Tuyên Hóa.

Mô hình trồng bưởi Phúc Trạch của ông Nguyễn Văn Minh ở Kim Hóa đã lan tỏa rộng, tạo ra động lực mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Tuyên Hóa. Trong đó, không ít người chuyển diện tích đất trồng thông, cao-su, keo tràm sang trồng bưởi, cam và chanh. Nguồn thu nhập từ vườn cây ăn quả giúp họ vươn lên làm giàu. Ðiển hình như anh Trương Quốc Việt, ở thôn Kim Lũ 2, xã Kim Hóa sau một thời gian dài trồng rừng kinh tế nay đã chuyển sang trồng cây ăn quả có múi với diện tích gần 14 ha. Trong đó anh trồng khoảng 4.500 gốc cam, 2.000 gốc bưởi Phúc Trạch và 1.000 gốc chanh.

Từ năm 2021 đến nay, vùng cây ăn quả của anh Trương Quốc Việt cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm. Mô hình trồng cây ăn quả có múi của người nông dân này được xem là đi đầu trong ứng dụng công nghệ mới theo hướng sản xuất nông nghiệp thông minh. Hiện tại, anh Việt đã đăng ký nhãn hiệu “Cam Kim Lũ”, được chứng nhận VietGAP và có tem truy xuất nguồn gốc, mã quét QR cho sản phẩm. Ðiều đáng nói là chủ các mô hình trồng cây ăn quả quy mô lớn ở Tuyên Hóa đều áp dụng kỹ thuật mới vào trồng trọt, như đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt đến từng gốc cây. Nhờ vậy, dù Tuyên Hóa là vùng đất có thời tiết khắc nghiệt trong mùa hè nhưng nhiều hộ gia đình có vườn rộng nhiều héc-ta mà chỉ cần hai đến ba người là có thể bảo đảm việc cung cấp đủ nước cho cây trồng trong thời kỳ nắng nóng kéo dài.

Với điều kiện khí hậu và đất đai phù hợp với nhiều loại cây ăn quả, nhất là cây ăn quả có múi, năm 2020, huyện Tuyên Hóa thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chuyển đổi diện tích đất trồng cao-su, đất gò đồi sang trồng cây ăn quả có múi, hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, giúp gia tăng giá trị sản xuất. Ðến nay, toàn huyện có 350 ha cây ăn quả chủ yếu là cây có múi, trong đó khoảng 250 ha đã cho thu hoạch, đạt hiệu quả kinh tế 350-400 triệu đồng/ha/năm. Mùa bưởi năm nay, nhiều nhà vườn ở Tuyên Hóa phấn khởi vì bưởi được mùa, giá cả ổn định và tiêu thụ tốt.

Ðiều mà Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hóa Ðinh Xuân Thương còn băn khoăn là người dân còn hạn chế về nguồn lực đầu tư cho nên sản xuất manh mún, chưa mang tính chuyên canh; thiếu sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, dễ dẫn tới tình trạng “được mùa, mất giá”. Mặt khác, Tuyên Hóa là khu vực có nắng nóng kéo dài, trong khi cây ăn quả có múi không phải là những giống cây chịu hạn, việc giải bài toán nước tưới cho loại cây trồng này trong mùa hè không hề dễ dàng.

Ðể đề án hình thành vùng cây ăn quả có múi mang lại hiệu quả kinh tế, huyện Tuyên Hóa tiếp tục tìm hiểu, đưa vào trồng thử nghiệm một số loại cây thích ứng với biến đổi khí hậu; kêu gọi doanh nghiệp cùng liên kết với người dân để làm tốt khâu tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện quy trình sản xuất có tem truy xuất nguồn gốc, dán mã QR cho sản phẩm để nâng cao giá trị cây ăn quả.