Thiệt hại nghiêm trọng do biến đổi khí hậu

Trong báo cáo vừa công bố, Tổ chức Khí tượng thế giới của Liên hợp quốc (WMO) cho biết, tám năm vừa qua là tám năm nóng nhất từng được ghi nhận, khi mực nước biển dâng và sự nóng lên của các đại dương đều đạt mức cao mới. Hạn hán, lũ lụt và sóng nhiệt không ngừng tác động nghiêm trọng tới các cộng đồng trên khắp thế giới, gia tăng các mối đe dọa đối với cuộc sống và sinh kế của hàng triệu người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Nắng nóng do biến đổi khí hậu xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới. Ảnh: REUTERS
Nắng nóng do biến đổi khí hậu xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới. Ảnh: REUTERS

Liên tiếp thiết lập kỷ lục mới

Báo cáo Tình trạng khí hậu toàn cầu mới nhất của WMO cho thấy, nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng, khiến các năm từ 2015 đến 2022 trở thành những năm nóng nhất kể từ khi các dữ liệu theo dõi thường xuyên bắt đầu được ghi nhận năm 1850. Dù hiện tượng La Nina xảy ra ba năm liên tiếp trong khoảng thời gian kể trên, song cũng không tác động nhiều tới xu hướng tăng của nhiệt độ toàn cầu. Nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2022 cao hơn 1,15°C so mức trung bình của những năm 1850-1900.

WMO cho biết, ba loại khí nhà kính, vốn là tác nhân chính giữ lại nhiệt trong bầu khí quyển là carbon dioxide, methane và nitrous oxide đạt mức cao kỷ lục vào năm 2021. Lượng khí thải nhà kính ở mức độ kỷ lục đã gây ra những thay đổi ở quy mô toàn hành tinh, cả trên đất liền, trong các đại dương và trong bầu khí quyển.

Theo báo cáo, sự tan chảy ở các sông băng và mực nước biển dâng cũng thiết lập mức kỷ lục mới vào năm 2022 và được dự báo còn tiếp tục xu hướng tăng trong hàng nghìn năm nữa. WMO nhấn mạnh thêm, băng ở Bắc Cực đã giảm xuống mức thấp nhất từng được ghi nhận và tốc độ tan chảy của một số sông băng ở châu Âu cũng chưa từng có trong lịch sử. WMO lưu ý rằng, sự nóng lên của đại dương đặc biệt cao trong hai thập niên qua. Sự tan chảy cũng được ghi nhận ở các sông băng và chỏm băng ở Greenland và Nam Cực, trong khi các đại dương mở rộng thể tích do nhiệt tăng. Mực nước biển dâng đe dọa sự tồn tại của các cộng đồng ven biển và đôi khi là toàn bộ các quốc gia.

Tổng Thư ký WMO, GS Petteri Taalas cho biết, trong bối cảnh lượng khí thải nhà kính gia tăng và khí hậu thay đổi, người dân trên toàn thế giới tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các hiện tượng thời tiết và khí hậu khắc nghiệt. Theo Tổng Thư ký WMO, năm 2022 hạn hán liên tục ở Đông Phi, lượng mưa kỷ lục ở Pakistan và những đợt nắng nóng chưa từng ghi nhận ở Trung Quốc và châu Âu đã ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng chục triệu người, dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực, kéo theo làn sóng di cư hàng loạt, gây thiệt hàng tỷ USD.

Báo cáo của WMO cũng đã xem xét nhiều tác động kinh tế - xã hội của thời tiết khắc nghiệt đối với cuộc sống của những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới. Tính đến năm 2021, 2,3 tỷ người phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực, trong đó 924 triệu người đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực ở mức nghiêm trọng. Các dự báo ước tính có tới 767,9 triệu người đối mặt tình trạng suy dinh dưỡng vào năm 2021, chiếm 9,8% dân số toàn cầu. Một nửa trong số này ở châu Á và một phần ba ở châu Phi. 5 năm hạn hán liên tiếp ở Đông Phi, cùng các yếu tố khác như xung đột vũ trang, đã gây ra tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng cho 20 triệu người trên khắp khu vực.

Các đợt nắng nóng trước gió mùa năm 2022 ở Ấn Độ và Pakistan đã khiến năng suất cây trồng sụt giảm. Điều này, kết hợp với các lệnh cấm xuất khẩu lúa mì tại các nước và hạn chế xuất khẩu gạo ở Ấn Độ sau khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, đã đe dọa khả năng cung cấp, tiếp cận và sự ổn định của các loại lương thực thiết yếu trên thị trường lương thực quốc tế, gây rủi ro cao cho các quốc gia vốn đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt các loại thực phẩm chính.

Lũ lụt trên diện rộng ở Pakistan do mưa lớn vào tháng 7 và tháng 8/2022 đã làm hơn 1.700 người chết, trong khi khoảng 33 triệu người bị ảnh hưởng. Đến tháng 10/2022, khoảng tám triệu người đã phải di dời trong nước do lũ lụt. WMO ước tính, tổng thiệt hại và tổn thất kinh tế mà Pakistan phải gánh chịu sau đợt lũ lụt kỷ lục này là khoảng 30 tỷ USD.

Biến đổi khí hậu có thể khiến toàn bộ hệ sinh thái bị đảo lộn. Tác động môi trường của biến đổi khí hậu cũng là một trọng tâm của báo cáo, trong đó nêu bật sự thay đổi trong các sự kiện định kỳ của tự nhiên, như cây nở hoa hoặc chim di cư. Vào năm 2021, hoa anh đào ở Nhật Bản nở vào thời điểm sớm nhất trong vòng 1.200 năm qua. WMO công bố dữ liệu cho thấy, thời điểm di cư của hàng trăm loài chim ở châu Âu trong hơn 5 thập niên qua ngày càng không khớp với các mùa xuân khác, như thời điểm cây ra lá hay côn trùng mọc cánh, vốn là những yếu tố tự nhiên quan trọng đối với sự sống còn của các loài chim. Báo cáo cho biết, những sự kiện không còn ăn khớp này có thể góp phần làm suy giảm số lượng ở một số loài di cư, đặc biệt là những loài trú đông ở châu Phi cận Sahara và có thể dẫn đến sự hủy hoại đa dạng sinh học.

Thúc đẩy sáng kiến hệ thống cảnh báo sớm

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo đa dạng sinh học đang suy giảm nghiêm trọng khi có khoảng một triệu loài trên trái đất đứng trước bờ vực tuyệt chủng. Kêu gọi thế giới chấm dứt “những cuộc chiến không ngừng và vô nghĩa” với tự nhiên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng, nhân loại có các công cụ, kiến ​​thức và giải pháp để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Tháng 3/2023, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã triệu tập một Ban cố vấn bao gồm các quan chức hàng đầu của các cơ quan Liên hợp quốc, các nhà lãnh đạo khu vực tư nhân và tổ chức xã hội, để đẩy nhanh sáng kiến thiết lập ​​các hệ thống cảnh báo sớm toàn cầu, dự kiến sẽ được hoàn tất tại các nước vào năm 2027. Sáng kiến này sẽ được triển khai trước ở 30 quốc gia đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt, gồm các quốc đảo nhỏ đang phát triển và các quốc gia kém phát triển nhất.

Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas cho biết thêm, khoảng 100 quốc gia hiện không có các dịch vụ thời tiết đầy đủ và Sáng kiến “C​ảnh báo sớm của Liên hợp quốc cho mọi người”, nhằm mục đích lấp đầy “khoảng trống năng lực” hiện có để bảo đảm rằng, mọi người trên trái đất được bao phủ bởi các dịch vụ cảnh báo sớm về hiện tượng bất thường của thiên nhiên, khí hậu.

Hiện, một phần ba dân số thế giới, chủ yếu ở các nước kém phát triển nhất và các quốc đảo nhỏ đang phát triển chưa được bao phủ bởi hệ thống cảnh báo sớm về các thảm họa khí hậu. 60% người dân ở châu Phi không được hỗ trợ bởi các hệ thống cảnh báo sớm này. Người dân ở châu Phi, Nam Á, Nam và Trung Mỹ, các quốc đảo nhỏ có nguy cơ thiệt mạng vì các thảm họa khí hậu cao gấp 15 lần so người dân ở những khu vực khác. Trong khi đó, các quốc gia có hệ thống cảnh báo sớm các thảm họa khí hậu với độ bao phủ lớn có thể giúp hạn chế được tám lần tỷ lệ tử vong do thiên tai.

Theo thống kê của WMO, trong vòng 50 năm qua, các thảm họa liên quan đến khí hậu và nước trên thế giới khiến trung bình 115 người chết và gây thiệt hại hơn 200 triệu USD mỗi ngày. Số lượng các thảm họa được ghi nhận đã tăng gấp 5 lần trong khoảng thời gian trên, song các hệ thống cảnh báo sớm và quản lý thảm họa được cải thiện đã cứu sống nhiều người. Vì vậy, việc xây dựng được các hệ thống cảnh báo sớm cho phép theo dõi các điều kiện khí quyển theo thời gian thực trên biển và trên đất liền nhằm dự báo các hiện tượng thời tiết ở tất cả các khu vực địa lý sẽ giúp giảm đáng kể thiệt hại về người và tài sản, nhất là ở các khu vực dễ bị tổn thương nhất.