Rủi ro khi trồng giống cam không rõ nguồn gốc

Cam là loại cây trồng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao ở nhiều địa phương phía bắc khi doanh thu có nơi đạt vài trăm triệu đồng/ha. Tuy nhiên, thời gian qua có tình trạng người dân ở một số địa phương sử dụng giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trồng không trong vùng quy hoạch, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cam.
0:00 / 0:00
0:00
Vườn cam ở tỉnh Nghệ An phải chặt bỏ vì bị bệnh.
Vườn cam ở tỉnh Nghệ An phải chặt bỏ vì bị bệnh.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ năm 2019 đến nay, diện tích trồng cam có xu hướng giảm. Riêng miền bắc diện tích cam năm 2022 khoảng 47.000ha, bằng khoảng 51,6% so cả nước. Tại một số tỉnh, diện tích cam tăng vượt so với định hướng, kế hoạch sản xuất của địa phương như Hà Giang, Bắc Giang…

Chất lượng giống không bảo đảm

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 4.300ha trồng cam. Cam được xác định là cây làm giàu của người dân vùng trung du, miền núi tỉnh Nghệ An những năm qua. Anh Nguyễn Cảnh Đoàn có 9ha cam ở xóm đồi Bùi Sơn, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành cho biết: "Đầu tư mỗi ha cam hết khoảng 300 triệu đồng, sau bốn năm bắt đầu cho thu hoạch.

Đến năm thứ sáu trở đi, mỗi ha thu được từ 18 đến 20 tấn quả với giá bán bình quân từ 30 đến 35.000 đồng/kg, lãi khoảng 400 đến 500 triệu đồng/ha". Lợi nhuận cao nhưng đầu tư lớn khiến người dân một số địa phương ở Nghệ An có tâm lý ham rẻ nên mua phải giống trôi nổi, kém chất lượng, không sạch bệnh. Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất cung ứng giống có uy tín, chất lượng trên địa bàn còn ít. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình tự sản xuất cây giống để trồng và bán. Có thời gian, nông dân trồng ồ ạt và vượt cả quy hoạch, nhiều nơi trồng không đúng vùng quy hoạch.

Hiện nay vùng trồng cam ở các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn đang bị thoái hóa, đất không đủ dinh dưỡng để cam phát triển, cộng với chất lượng cây giống không bảo đảm nên nhiều diện tích cam phát triển đến năm thứ 4 hoặc thứ 5 thì bị dịch bệnh vàng lá, thối rễ, rụng quả… Nhiều vườn cam cho quả nhỏ, chua, quả khô, xốp buộc phải chặt bỏ, chuyển sang trồng cây khác.

Anh Nguyễn Huy Thành, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp cho biết, gia đình anh đầu tư trồng 3ha cam nhưng đến khi thu hoạch, phần lớn diện tích bị bệnh vàng lá, thối rễ; số còn lại cho quả nhỏ, khô, xốp nên cuối năm 2021 phải chặt bỏ để chuyển sang trồng mía, ngô, ổi. Qua kiểm tra của cơ quan chuyên môn, những vườn cam kinh doanh ở các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn… có đến 80% diện tích cam đang trong thời gian thu hoạch và hơn 50% diện tích trong thời gian kiến thiết cơ bản có biểu hiện suy thoái, chất lượng quả suy giảm, thậm chí nhiều diện tích có nguy cơ phải chặt bỏ trong ngắn hạn.

Tại huyện Quỳ Hợp, nhiều diện tích cam liền khoảnh phải chặt bỏ do bị nhiễm bệnh và đất thoái hóa. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quỳ Hợp Quán Vi Giang, năm 2017 địa bàn huyện có hơn 1.700ha, nay chỉ còn khoảng 250ha.

Không sử dụng giống trôi nổi và sản xuất theo đúng quy trình

Cam là cây ăn quả lâu năm, cần có thời gian đầu tư kiến thiết cơ bản khoảng hai đến ba năm từ khi trồng đến thu hoạch. Do vậy, lựa chọn giống và sử dụng cây giống bảo đảm nguồn gốc có vai trò quan trọng giúp tạo ra sản phẩm có chất lượng và tăng hiệu quả sản xuất. Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường, sử dụng cây giống không rõ nguồn gốc, khiến năng suất, chất lượng quả kém; thậm chí vườn cây không cho thu hoạch hoặc dịch hại phát sinh gây hại đến mức phải chặt bỏ, làm lãng phí thời gian, công sức và chi phí đầu tư, hiệu quả sản xuất, thu nhập và đời sống của nông dân.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho rằng, giống cam trôi nổi nhiều, giá bán rẻ hơn giống đạt tiêu chuẩn. Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra xử phạt các cơ sở bán giống không bảo đảm chất lượng; hỗ trợ các cơ sở nhân giống chất lượng cao, sạch bệnh bảo đảm chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Hiện nay, diện tích cây ăn quả có múi tại Hòa Bình là 9.687ha, trong đó riêng cây cam 4.800ha, sản lượng đạt 85.000 tấn, thu nhập bình quân từ 350 đến 400 triệu đồng/ha. Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình Nguyễn Hồng Yến cho biết: "Hiện nay trên địa bàn tỉnh có tình trạng trồng cam ngoài quy hoạch, hầu hết do người dân từ nơi khác tự mua đất rồi đầu tư trồng cam. Khó nhất trong quản lý chất lượng cây giống hiện nay là các hộ dân tự chiết ghép, bán, cho.

Trước đây cây cam không phải là cây trồng chính nên việc quản lý cũng có phần thiếu chế tài hay chế tài chưa đủ mạnh. Còn hiện nay, cam nằm trong danh mục cây trồng chính do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định nên việc sản xuất, kinh doanh cây giống bắt buộc phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia.

Bên cạnh đó, khâu sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm quả có múi vẫn là điểm yếu đối với tỉnh Hòa Bình mặc dù không thiếu công nghệ. Do vậy, Nhà nước cần có cơ chế để hỗ trợ, khuyến khích người sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất cây có múi áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới để gia tăng giá trị sản phẩm".

Để phát triển bền vững cây cam, các địa phương cần hạn chế sự phát triển nóng cây cam nhất là tại các vùng không phù hợp; tiếp tục rà soát vùng sản xuất cam hàng hóa theo định hướng phát triển tập trung, tại các vùng có điều kiện đầu tư thâm canh, gắn với công nghiệp chế biến; tập trung thâm canh, cải thiện năng suất, nâng cao chất lượng, mở rộng áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), hữu cơ và truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm. Bởi nếu trồng cam theo đúng quy hoạch, quy trình sản xuất tốt sẽ mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân.

Cũng theo Cục Trồng trọt, để sản xuất cam hiệu quả, ngành nông nghiệp các địa phương cần khuyến cáo nhà vườn lựa chọn sử dụng giống có tên trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời sản xuất theo cơ cấu giống rải vụ thu hoạch, có chất lượng, ít hạt hoặc không có hạt, chống chịu sâu bệnh hại; đẩy mạnh tuyên truyền nhằm khuyến cáo người dân sử dụng giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, giống bảo đảm chất lượng, sạch bệnh; không sử dụng giống trôi nổi.