Sẵn sàng khởi công đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh

Sau một năm Quốc hội ban hành Nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư thực hiện dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố sẽ chính thức tổ chức khởi công xây dựng tuyến đường này đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 18/6, khi bốn địa phương có tuyến đường đi qua, đạt tỷ lệ bàn giao mặt bằng hơn 80%, cao hơn tiến độ cam kết.
0:00 / 0:00
0:00
Một hộ dân ở huyện Hóc Môn bàn giao đất nông nghiệp của gia đình nằm trong dự án vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.
Một hộ dân ở huyện Hóc Môn bàn giao đất nông nghiệp của gia đình nằm trong dự án vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.

Một trong bốn địa phương có tỷ lệ thu hồi, bàn giao đất vượt chỉ tiêu đặt ra là huyện Hóc Môn với tỷ lệ 93%. Ông Nguyễn Anh, Trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Hóc Môn cho hay: Tính đến ngày 9/6, huyện đã thu hồi đất của 289/332 trường hợp thuộc dự án đường vành đai 3 với gần 92ha, hầu hết là đất nông nghiệp. Như vậy, so với cam kết ban đầu bàn giao 70% mặt bằng cho chủ đầu tư vào giữa tháng 6 thì huyện Hóc Môn đã đạt và vượt rất xa.

Ông Nguyễn Anh cho biết: UBND huyện phấn đấu sẽ bàn giao 7% diện tích đất dự án còn lại vào cuối tháng 6; đồng thời, cố gắng hoàn tất công tác chi trả bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho 332 hộ dân, trường hợp hộ dân nào chưa đồng tình địa phương sẽ có phương án vận động, thuyết phục. Ông Nguyễn Trung Hiếu, ngụ xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn cho biết: Gia đình ông có hơn 11.000m2 đất nông nghiệp bị thu hồi cho dự án đường vành đai 3. Tính tổng cộng ông nhận được tiền đền bù hơn 28 tỷ đồng vào giữa tháng 5, sau đó ông bàn giao đất cho cán bộ làm hồ sơ của Ban bồi thường. “Về chính sách tôi thấy bảo đảm quyền lợi cho người dân. Do đó, gia đình tôi đồng thuận nhận tiền đền bù, cùng chính quyền địa phương giao đất cho chủ đầu tư sớm khởi công dự án như cam kết…”, ông Hiếu khẳng định.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, đến nay có tổng cộng 335ha/410ha đất cần thu hồi phục vụ thi công đường vành đai 3 đã được bốn địa phương gồm thành phố Thủ Đức, các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh thu hồi để bàn giao cho chủ đầu tư (đạt tỷ lệ 81,5%), cao hơn so với mục tiêu đặt ra là 70% vào ngày 15/6. Những địa phương có tỷ lệ thu hồi, bàn giao đất vượt chỉ tiêu đặt ra là: huyện Hóc Môn (93%), huyện Bình Chánh (86%).

Bên cạnh yêu cầu về mặt bằng đã được bảo đảm, công tác đấu thầu lựa chọn các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát,… cũng đang được triển khai đúng theo tiến độ. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) Lương Minh Phúc cho biết: Với những kết quả đang thực hiện, dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh bảo đảm tiến độ, chủ đầu tư sẵn sàng cho việc khởi công vào ngày 18/6 tới, hướng tới mục tiêu thông xe toàn tuyến vành đai 3 vào cuối năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2026 như Nghị quyết đã đề ra.

Tuy nhiên, theo ông Phúc, để giải ngân hơn 10.000 tỷ đồng, trong đó, có 2.000 tỷ đồng xây lắp trong thời gian ngắn là nhiệm vụ rất lớn, chưa từng có ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng với sự quyết tâm, cả hệ thống chính trị của bốn địa phương và các sở, ngành, cũng như sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân, thành phố tin tưởng nhiệm vụ này sẽ hoàn thành.

Theo ông Lương Minh Phúc cho biết: Trong giai đoạn sau lễ khởi công dự án, chủ đầu tư cùng các đơn vị tư vấn, nhà thầu, bốn địa phương và các đơn vị liên quan phải tiếp tục cùng nhau vượt qua những khó khăn, thách thức lớn là: đạt tỷ lệ 100% bồi thường giải phóng mặt bằng trước ngày 31/12/2023; kiểm tra, đôn đốc các đơn vị tư vấn, nhà thầu tổ chức thi công bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn trên 47km đường vành đai 3 đoạn đi qua Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời, giải quyết thật tốt bài toán vật liệu; phối hợp đồng bộ với các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương trong quá trình triển khai và hoàn thành dự án.

Về nguồn vật liệu cát đắp nền cho toàn tuyến đường vành đai 3 là vấn đề không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh mà các địa phương có dự án đi qua đều quan tâm. Theo báo cáo của Tổ công tác vật liệu liên tỉnh, qua tính toán cần 7,2 triệu m3 cát đắp nền cho toàn tuyến đường vành đai 3; trong đó, nguồn cát đắp nền đã đáp ứng khoảng 5,8 triệu m3 (đạt khoảng 80,5%), sẵn sàng phục vụ cho việc khởi công công trình và phục vụ thi công trong các năm 2023, 2024 và đầu năm 2025. Riêng đối với 1,4 triệu m3 còn lại (phục vụ thi công năm 2025), Tổ công tác cũng đã làm việc với các địa phương về các mỏ cát có thể bảo đảm cung cấp đầy đủ khối lượng này và sẽ tiếp tục tiến hành các thủ tục liên quan với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương trong thời gian tới. Như vậy, đến thời điểm hiện nay, nguồn vật liệu cung cấp cho Dự án đường vành đai 3 đã sẵn sàng và sẽ có biện pháp bảo đảm phục vụ công tác thi công liên tục đến khi hoàn thành.

Theo Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16/6/2022, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư 76,34km đường vành đai 3 đi qua Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An với tổng mức đầu tư của dự án là 75.378 tỷ đồng; trong đó, đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích đất thu hồi là 410ha. Việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.