Sẵn sàng bàn giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội

Chiều 29/6, các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội; Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ đã đi khảo sát, làm việc tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội và Bộ Khoa học và Công nghệ khảo sát thực tế tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội và Bộ Khoa học và Công nghệ khảo sát thực tế tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Theo Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc Lưu Hoàng Long, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có tổng diện tích quy hoạch gần 1.600ha và được quy hoạch thành 8 phân khu chức năng. Quy mô dân số dự báo đến năm 2030 là 229 nghìn người. Tính đến hết tháng 5/2023, tổng diện tích đã giải phóng mặt bằng 1.410ha; diện tích đất đã sử dụng khoảng 663ha.

Đến nay, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thu hút được 106 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 85.602 tỷ đồng và 702,57 triệu USD.

Trong 106 dự án của nhà đầu tư nêu trên, có 60 dự án đang hoạt động, góp phần tạo việc làm cho khoảng 14.500 lao động có tay nghề.

Trong năm 2022, doanh thu của các doanh nghiệp tại đây đạt khoảng 18 nghìn tỷ đồng và nộp ngân sách khoảng 1.200 tỷ đồng.

Nhiều dự án đầu tư đã làm chủ được công nghệ lõi, các công nghệ cao có những thành tựu quan trọng, bước đầu lan tỏa và đóng góp vào nền kinh tế trong giai đoạn vừa qua.

Trong đó, có các nhà đầu tư lớn trong các lĩnh vực công nghệ cao khác nhau như: Tập đoàn Viettel, Tập đoàn FPT (FPT Software, Đại học FPT), Tập đoàn Hanwha Aerospace (Hàn Quốc), Tập đoàn Nidec (Nhật Bản)...

Để có thể trở thành đầu tàu dẫn dắt, lan tỏa đến các Khu công nghệ cao khác đối với một số ngành, lĩnh vực và là mô hình mẫu về Khu công nghệ cao ở Việt Nam, đúng với định hướng ban đầu xây dựng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trở thành đặc khu khoa học và công nghệ cấp quốc gia, Ban quản lý kiến nghị với thành phố Hà Nội bổ sung các cơ chế, chính sách mới, đặc thù, vượt trội cho công tác xây dựng, phát triển và quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Ngoài ra, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng và ban hành chiến lược thu hút đầu tư linh hoạt phù hợp với từng thời kỳ, bám sát mục tiêu, định hướng phát triển và nguồn lực sẵn có.

Báo cáo tình hình thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về UBND Thành phố Hà Nội, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, ngày 20/6/2023, Bộ đã làm việc với Hà Nội và thống nhất một số nội dung: Về thời gian, việc bàn giao, tiếp nhận được thực hiện sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc chuyển giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Phạm vi bàn giao là nguyên trạng với lộ trình từng bước theo từng nhóm nội dung. Đối với những nội dung có thể bàn giao ngay, thực hiện ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết. Đối với những nội dung còn khó khăn, vướng mắc, chưa đủ căn cứ pháp lý, hai bên báo cáo Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã nhiều lần được điều chỉnh về quy hoạch; cơ chế, chính sách qua các giai đoạn cũng có nhiều thay đổi. Đến nay, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc vẫn duy trì được mục tiêu, định hướng phát triển đề ra và bước đầu đã có được những thành công nhất định.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc xây dựng, phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trong thời gian qua vẫn chưa được như kỳ vọng, còn nhiều vướng mắc, khó khăn trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; về nguồn lực đầu tư, hạ tầng kỹ thuật.

Để việc bàn giao, tiếp nhận Khu Công nghệ cao Hòa Lạc tiến hành một cách thuận lợi và hoạt động hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới, đồng chí đề nghị, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc chuyển giao, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp chặt chẽ với Hà Nội và các bộ, ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết về việc chuyển giao và tiếp nhận tổ chức, bộ máy, hoạt động, các nhiệm vụ, công việc, tài chính, tài sản công.

Về công tác giải phóng mặt bằng, đồng chí yêu cầu các sở, ban, ngành có liên quan phối hợp cùng các huyện Thạch Thất và Quốc Oai tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, trong đó, tập trung xử lý dứt điểm giải phóng mặt bằng đối với diện tích 183ha còn lại.

Đối với các dự án khu tái định cư, các khu đất dịch vụ phục vụ công tác giải phóng mặt bằng các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát toàn bộ các dự án còn khó khăn, vướng mắc về trình tự lập, phê duyệt dự án; trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải chủ trì, tiến hành rà soát các dự án giao thông trên địa bàn, cân đối ngân sách, đề xuất các phương án. Trong đó cần ưu tiên giải quyết những nút, tuyến giao thông trọng điểm kết nối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc như các tuyến đường sắt đô thị, đường bộ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt hy vọng, khi chuyển giao về thành phố Hà Nội, điều kiện làm việc sẽ bằng, tốt hơn trước và tăng cường niềm tin cho các nhà đầu tư trong, ngoài nước.

Khi bàn giao xong, với vai trò cơ quan quản lý Nhà nước về Khu công nghệ cao, Bộ sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho Khu Công nghệ cao Hòa lạc, phối hợp thành phố rà soát cơ chế chính sách vượt trội tạo điều kiện cho các Khu công nghệ cao phát triển.