Khó khăn trong thu hút đầu tư tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc

Thời gian qua, Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) đã thu hút đầu tư công nghệ cao từ các doanh nghiệp, gắn kết nghiên cứu với sản xuất, dần trở thành một thành phố khoa học và công nghệ, nơi tập trung, liên kết hoạt động đào tạo nhân lực, ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, sau hơn 25 năm đi vào hoạt động, việc phát triển của khu công nghệ cao vẫn chưa đạt như kỳ vọng.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất thiết bị công nghệ cao tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Sản xuất thiết bị công nghệ cao tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Phó Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc Trần Ðắc Trung cho biết, đến hết tháng 1/2023, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã giải phóng mặt bằng được 1.403/1.586ha, đáp ứng được các yêu cầu trong công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư. Ðến nay, Khu công nghệ cao Hòa Lạc thu hút được 104 dự án, trong đó có 90 dự án trong nước và 14 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 99.078 tỷ đồng trên tổng diện tích khoảng 378ha.

Nhiều dự án đầu tư đã làm chủ được công nghệ lõi, các công nghệ cao, bước đầu lan tỏa và đóng góp cho phát triển kinh tế. Trong đó, có các nhà đầu tư lớn trong các lĩnh vực công nghệ cao như: Tập đoàn Viettel, Tập đoàn FPT (FPT Software, Trường đại học FPT), Tập đoàn Hanwha Aerospace (Hàn Quốc), Tập đoàn Nidec (Nhật Bản)...

Mới đây, thêm sáu dự án được nhận quyết định đầu tư, giao đất tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, gồm: Dự án “Trung tâm Công nghệ cao Mobifone tại Hà Nội” do Tổng công ty Viễn thông Mobifone làm chủ đầu tư; dự án “Tổ hợp nghiên cứu, đổi mới sáng tạo CMC” do Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ CMC làm chủ đầu tư; dự án “Xây dựng Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía bắc - giai đoạn 1” do Cục Công nghiệp, Bộ Công thương làm chủ đầu tư; dự án “Nhà máy Nghiên cứu và sản xuất dược phẩm PHENIKAA” do Công ty cổ phần Nghiên cứu và Kiểm nghiệm thuốc AQP làm chủ đầu tư; dự án “Nhà máy Dược phẩm ECO CNC” do Công ty cổ phần Dược phẩm ECO CNC làm chủ đầu tư; dự án “Trung tâm Nghiên cứu, phát triển và sản xuất dược phẩm công nghệ cao Ðồng Nhân Ðường đạt tiêu chuẩn GMP-WHO” do Công ty cổ phần Y dược Bảo Long Ðồng Nhân Ðường làm chủ đầu tư.

Tuy đã có nhiều chính sách ưu đãi, cơ chế thuận lợi nhưng đến nay tỷ lệ doanh nghiệp lấp đầy Khu công nghệ cao Hòa Lạc còn chưa được như kỳ vọng. Lý giải về vấn đề này, ông Trần Ðắc Trung cho biết: Doanh nghiệp khi đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc phải cam kết có yếu tố về phát triển công nghệ cũng như có kế hoạch đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Ðây là một nguyên tắc để thực hiện mục tiêu Khu công nghệ cao Hòa Lạc là nơi tạo ra công nghệ, đổi mới công nghệ, mà không phải thu hút nhanh để lấp đầy khu bằng mọi giá. Thế nhưng, đây cũng là điểm khó đối với một số doanh nghiệp, kể cả các tập đoàn lớn khi mà họ chỉ muốn tập trung đầu tư vào sản xuất mà không quan tâm đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.

Vấn đề đang đặt ra đối với các khu công nghệ cao nói chung và Khu công nghệ cao Hòa Lạc nói riêng là việc thu hút nguồn lực từ xã hội để đầu tư hạ tầng. Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Lê Hùng cho biết: Ðể giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng và vận hành các khu công nghệ cao, căn cứ những vấn đề có tính chất đặc thù đối với từng khu công nghệ cao khác nhau, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách riêng đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Hơn nữa, cơ chế, chính sách cho phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc chưa có nhiều vượt trội so với các khu công nghiệp thông thường, trong khi các dự án đầu tư tại khu công nghệ cao phải đáp ứng tiêu chí về công nghệ, sản phẩm, các quy định về dự án công nghệ cao và trải qua quá trình thẩm định mất nhiều thời gian. Chưa có các chính sách, chế độ đãi ngộ đặc biệt để thu hút các chuyên gia, cán bộ có trình độ chuyên môn cao đến làm việc tại khu công nghệ cao.

Một khó khăn trong thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc là các doanh nghiệp, nhà đầu tư thường đề nghị được xây dựng dự án trên khu đất liền khoảnh thành tổ hợp khép kín, bao gồm cả sản xuất, nghiên cứu và các dịch vụ nhà ở, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo quy hoạch đã được phê duyệt thì Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã được phân chia thành các khu vực theo các chức năng cụ thể, cho nên không đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư.

Ðể tháo gỡ các khó khăn trong thu hút đầu tư, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc kiến nghị các cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách thí điểm trong một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng phát triển như ươm tạo, khởi nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ 4.0, công nghệ tự động hóa; đồng thời có chủ trương tập trung đầu tư các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm quy mô lớn trong các lĩnh vực công nghệ cao bằng ngân sách nhà nước, qua đó bảo đảm nhu cầu nghiên cứu phát triển của các ngành, lĩnh vực, tạo được tiềm lực và cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao của Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Khu công nghệ cao Hòa Lạc dự kiến sẽ được bàn giao về thành phố Hà Nội quản lý. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, việc Khu công nghệ cao Hòa Lạc được bàn giao về thành phố Hà Nội sẽ giải quyết được một số khó khăn trong thời gian qua, như có đầu tư thêm về giao thông công cộng, phát triển đô thị chung quanh thành một khu đô thị khoa học-công nghệ, văn hóa, giáo dục.